Giữ khoảng cách phù hợp giữa hai trái tim và dành cho nhau một không gian riêng nhất định là cách giúp bạn chiếm được lòng người, khiến tình cảm thêm lâu bền và tốt đẹp. Trong suốt cuộc đời, con người sẽ sử dụng phần lớn năng lượng của mình cho các mối quan hệ.
Một số người gặp phải những xung đột nội tâm vô tận vì lời nói của những người xung quanh, trong khi số khác cảm thấy khó chịu vì không đồng tình với người khác. Một số người thực sự thích thú với cảm giác trò chuyện cùng gia đình, người yêu, bạn bè, giống như gợn sóng trong làn gió xuân ấm áp, nhẹ nhàng và sảng khoái.
Khi mọi người trò chuyện với nhau, điều quan trọng nhất là cảm nhận của họ về nhau. Nếu sau khi trò chuyện, mọi người đều cảm thấy rất thoải mái thì đó là điều tuyệt vời. Ngược lại, nếu sau cuộc trò chuyện, mọi người cảm thấy tệ hơn và chán nản thì đó là vấn đề.
Trên thực tế, không có kỹ năng hoàn hảo cho mọi cuộc trò chuyện, nhưng có một số điểm quan trọng mà trong bất kỳ mối quan hệ nào bạn cũng cần tránh. Bằng cách nói không với ba điều này, cuộc trò chuyện giữa các bạn sẽ trở nên thoải mái và nuôi dưỡng lẫn nhau.
Đừng can thiệp vào sự riêng tư
Khi trò chuyện với người khác, điều quan trọng nhất là phải lịch sự, điều này có nghĩa là không hỏi thăm chuyện riêng tư của người khác. Một số người sau khi mở đầu cuộc trò chuyện sẽ nhanh chóng chuyển sang hỏi về các vấn đề riêng tư của đối phương. Dù người trò chuyện cùng có thể không nói ra, nhưng điều này thực sự gây khó chịu.
“Bạn kiếm được bao nhiêu mỗi tháng?”
“Gia đình bạn có mấy căn nhà?”
“Vợ chồng bạn mua ô tô chưa?”
“Thành tích học tập của con bạn thế nào?”
Nhiều người thực sự rất chán ghét những chủ đề này, họ cảm thấy đây là quyền riêng tư của mình, là điều họ không muốn người khác biết. Những câu hỏi như "Bạn kiếm được bao nhiêu tiền, lương của bạn thế nào?" càng trở nên nhạy cảm hơn trong những khoảng thời gian không suôn sẻ.
Khi trò chuyện với mọi người, dù là người thân hay bạn bè, điều quan trọng là phải có ranh giới. Đừng hỏi những gì không nên hỏi và đừng nói những gì không nên nói.
Chỉ bằng cách suy nghĩ kỹ từng lời nói và loại bỏ những ham muốn tò mò quá mức, bạn mới có thể chiếm được tình cảm của những người xung quanh.
Đừng chế giễu người khác
Người thích chế giễu người khác chắc chắn sẽ bị ghét bỏ. Không ai thích bị người khác chế giễu và coi thường mình, dù bản thân có ra sao và hành động thế nào đi chăng nữa.
Những người thích chế giễu người khác thường có lòng tự trọng thấp và cần chứng tỏ mình không xấu bằng cách chế nhạo người khác, hoặc họ cảm thấy mình rất mạnh mẽ và muốn thể hiện sự vượt trội của bản thân bằng cách chế giễu người khác.
Những người như vậy không chỉ trực tiếp chế giễu người khác mà còn nói xấu sau lưng, thậm chí vờ như đang nói đùa. Họ tưởng rằng đang đi theo con đường riêng của mình nhưng thực ra đó là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc thấp.
Mọi người đều có lòng tự trọng và chỉ có ít người sẽ không tức giận khi phải đối mặt với sự chế giễu của người khác. Đối với những người trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác, họ sẽ dần bị mọi người tránh xa.
Nếu không chắt lọc lời nói, không biết trau chuốt ngôn ngữ và quá vô tư, bạn sẽ khó giành được sự ưu ái của người khác. Dù trong cuộc sống đời thường hay tại nơi làm việc, bạn cũng sẽ gây rắc rối cho chính mình.
Người thực sự thông minh hiểu rõ những điều cấm kỵ khi trò chuyện, thận trọng trong lời nói và hành động của mình. Họ biết cân nhắc đến cảm xúc của người khác trong mọi việc và không nói những lời khiến ai đó mất thoải mái. Đây là cách để họ có thể điều hướng các mối quan hệ cá nhân.
Đừng hỏi quá nhiều
Mỗi người đều có những bí mật riêng mà họ không muốn chia sẻ với người khác. Khi mới quen, có thể đôi khi hai người sẽ chia sẻ những bí mật nhỏ hoặc những câu chuyện đáng xấu hổ của mình. Nhưng suy cho cùng, mỗi người là một cá thể độc lập, có những nỗi đau nên được giấu kín và tự mình vượt qua, có những điều xấu hổ không muốn người khác biết.
Không cần hỏi liệu người khác có yêu bạn hay không; đừng cố tìm hiểu những bí mật nhỏ nhặt trong lòng họ; đừng quá tò mò về những gì họ nghĩ về bạn. Có những điều người đối diện không muốn nói ra và thực sự không cần thiết phải hỏi.
Mỗi người đều có một cây cọ vẽ trong tay để tô màu lên bức tranh cuộc đời mình và bảo vệ vùng đất thuộc về trái tim mình. Ai cũng có sức mạnh, sự mong manh và niềm hạnh phúc riêng.
Trong giao tiếp, chỉ khi tôn trọng lẫn nhau và không vượt qua ranh giới của nhau, mối quan hệ giữa người với người mới trở nên gần gũi và bền chặt hơn. Khi bạn gạt bỏ sự tò mò, không đặt ra quá nhiều câu hỏi, lòng bạn sẽ lắng xuống, không khí trò chuyện sẽ dễ chịu, và cả hai sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái.