Tại Trung Hoa cổ đại, việc đàn ông có tam thê tứ thiếp được xem là một điều rất bình thường. Thậm chí có không ít quý tộc, quan lại vì biểu dương quyền lực của bản thân mà trong phủ còn có thê thiếp thành đoàn.
Cũng bởi vậy mà việc người ở ngôi vị cửu ngũ chí tôn như Hoàng đế lại có cả một hậu cung trăm ngàn mỹ nữ được xem là điều hết sức dễ hiểu.
Trong ấn tượng của hậu thế ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng những người phụ nữ có cơ hội trở thành vợ của Thiên tử ắt sẽ được hưởng cuộc sống ăn sung mặc sướng.
Thế nhưng sự thực là các phi tần trong hậu cung Trung Hoa xưa phải chịu sự ràng buộc từ vô số cung quy luật lệ. Ngay tới việc riêng tư như sinh hoạt vợ chồng giữa họ với nhà vua cũng buộc phải tuân thủ nhiều sự quản thúc nghiêm ngặt.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, bên cạnh quá trình thị tẩm với nhiều bước phức tạp và rườm rà, bản thân những phi tần này thậm chí còn không được quyền phát ra bất kỳ một âm thanh nào trong lúc được sủng hạnh chỉ vì lý do khó tin dưới đây.
Cung quy ngặt nghèo khiến các phi tần Trung Hoa phát khổ vì thị tẩm
Vào thời phong kiến tại Trung Hoa, sự cách biệt giữa thân phận và địa vị xã hội của nam và nữ là rất lớn. Quan niệm "trọng nam khinh nữ" khiến phụ nữ thời bấy giờ thường bị xem như một nhóm người yếu thế và phải chấp nhận nhiều đãi ngộ thiếu công bằng.
Nếu như nam tử thời cổ đại có thể dành cả nửa đời dùi mài kinh sử để trở thành quan lại, thì đa số những người con gái sinh ra trong thời đại này chỉ mong được gả vào một gia đình sung túc, khá giả.
Đây cũng là lý do mà những gia tộc quyền quý đã tìm đủ mọi cách để tiểu thư nhà mình có thể gả tới những gia tộc danh giá hoặc thậm chí là bước chân vào hậu cung và trở thành thê thiếp của Hoàng đế.
Tuy nhiên ít ai nhìn ra rằng, ngay cả khi đã trở thành các phi tử nơi hậu cung, cuộc sống của những người phụ nữ ấy vẫn phải chịu vô số điều bất bình.
Đa số các Hoàng đế Trung Hoa đều sở hữu số lượng thê thiếp tương đối đông đảo. Thế nhưng trong muôn vàn bông hoa khoe sắc nơi hậu cung, số người có cơ hội đắc sủng lại vô cùng ít ỏi. Những người kém may mắn còn lại chỉ có thể sống cả đời trong thầm lặng và ngày đêm mong mỏi được nhà vua rủ lòng thương xót.
Hơn thế nữa, hoàng cung vốn là một nơi có vô số quy củ luật lệ, cho nên cuộc sống của đa số các tần phi đều chẳng thể yên bình, thoải mái như họ vẫn hằng mong muốn. Bằng chứng là ngay tới việc riêng tư như sinh hoạt vợ chồng cũng buộc phải tuân thủ nhiều loại quy tắc ràng buộc.
Nếu lấy quy trình thị tẩm thời nhà Thanh làm ví dụ, thì để có thể bước lên long sàng hưởng "ơn mưa móc", các phi tần buộc phải trải qua một quá trình hết sức gian nan.
Bước đầu tiên của quá trình này chính là chọn người thị tẩm bằng cách lật bảng. Việc chọn ai hầu hạ đêm hôm đó phần lớn phụ thuộc vào nhã hứng của nhà vua. Vì vậy mà có những người được ưu ái sủng hạnh nhiều tới nỗi bảng tên tróc sơn, còn có những người kém may mắn thì vài năm thậm chí vài chục năm mới được Thiên tử chiếu cố một lần.
Sau đó, vị phi tử được chỉ định thị tẩm sẽ tắm rửa sạch sẽ, tới buổi tối thì buộc phải cởi bỏ y phục, bị cuộn vào chăn và để thái giám đưa tới tẩm cung của Hoàng đế. Ngay cả khi đã kề cận long sàng thì họ vẫn phải chịu sự ràng buộc của cả tá luật lệ kỳ lạ khó hiểu.
Ví dụ như không được tự ý xốc chăn vào nằm mà buộc phải bò từ góc chăn nơi Hoàng đế để hở chân. Khi được sủng hạnh xong thì họ lại buộc phải bò giật lùi đi ra, sau đó bị đưa trở về tẩm cung chứ không được ngủ cùng phu quân của mình.
Thậm chí số ít hậu phi còn xui xẻo tới nỗi dù đã được chọn làm người thị tẩm nhưng lại không được sủng hạnh vì hôm đó nhà vua… không có hứng thú!
Do đó có thể nói rằng, cuộc sống của các phi tử hậu cung dù được ăn sung mặc sướng nhưng chung quy vẫn phải chịu sự bó buộc cả đời, ngay tới từng bước đi, từng cái nhấc tay cũng phải suy xét và hành động một cách cẩn thận.
"Quy tắc ngầm" của các Hoàng đế Thanh triều
Theo nhiều giai thoại truyền loại, bên cạnh quá trình thị tẩm được quy định rõ ràng trong các bước nêu trên, hậu phi Thanh triều còn buộc phải tuân thủ theo một "luật ngầm" của Hoàng đế.
Đó chính là việc quy định phi tử không được phép phát ra bất kỳ một tiếng kêu nào trong quá trình sủng hạnh. Điều luật này vốn không được quy định trong bất kỳ văn bản luật lệ nào của Thanh triều, tuy nhiên lại được xem là quy tắc "bất thành văn" mà ai cũng ngầm hiểu.
Lý giải về nguyên nhân của quy tắc ngầm lạ lùng nêu trên, KKNews và trang Sina đều đưa ra quan điểm đồng nhất như sau:
Vào thời bấy giờ, việc thị tẩm của nhà vua sẽ bị quản thúc bởi Kính Sự phòng. Do đó mà việc Hoàng đế quan hệ vợ chồng với phi tử cũng nghiễm nhiên không có sự riêng tư tuyệt đối.
Cụ thể, trong quá trình Thiên tử sủng hạnh hậu phi, các thái giám Kính Sự phòng sẽ túc trực ngay bên ngoài tẩm cung, vừa để nhắc nhở nhà vua về giờ giấc, vừa để thực hiện các yêu cầu đột xuất từ chủ tử nếu có.
Chính việc thiếu đi tính riêng tư trong lúc quan hệ vợ chồng đã khiến việc thị tẩm của Thiên tử không có được sự tự nhiên, thoải mái. Nhà vua vì tránh để bản thân mất mặt và cũng không muốn bị mang tiếng là túng dục quá độ, nên đã buộc các phi tần không được phát ra bất kỳ âm thanh nào trong suốt quá trình sủng hạnh.
Do đó suy cho cùng, quy định "bất thành văn" này cũng chỉ phục vụ cho mục đích giữ gìn thể diện cho Hoàng đế, còn người chịu thiệt ở đây trước sau vẫn chỉ là thê thiếp của nhà vua.
Bên cạnh luật ngầm kỳ lạ này, cả Thiên tử và các phi tần thời nhà Thanh còn phải chịu sự quản thúc về mặt thời gian. Cụ thể, Hoàng đế không được lâm hạnh phi tần quá nửa giờ, tương đương với 30 phút.
Từ những quy định ngặt nghèo và quy tắc ngầm nêu trên, không khó để nhận thấy số phận của "nghề làm phi" vốn không hoa lệ như hậu thế vẫn tưởng.
Những thê thiếp của Hoàng đế dù bên ngoài quả thực có rạng rỡ, vẻ vang, thế nhưng hết thảy mọi chua xót và khổ sở mà họ phải chịu đựng lại là điều không mấy ai có thể hiểu thấu.
Do đó mà cổ nhân Trung Hoa xưa vẫn thường truyền tai nhau câu nói: "Xuất thân bình thường có niềm vui giản dị của cuộc sống bình thường, xuất thân quyền quý lại có bi ai ít biết của cuộc sống quyền quý"...