Vì chị đã không còn nhưng những gì chị chia sẻ sẽ mãi là một ngọn lửa thắp sáng niềm tin, tình yêu đời cho những bệnh nhân ung thư và cho tất cả chúng ta. Nó giúp ta yêu thương cuộc đời hơn, sống với nhau gần hơn và nhiều chân thành, quý mến hơn. Xin phép chị trích lại những dòng này, chị Nguyễn Khánh Thương (hay còn gọi là Thương Sobey), cựu giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn:
NÓI THẬT, EM DÁM KHÔNG?
(Thuong Sobey 10/2014)
Dịch xong một bài báo về 1 công bố nghiên cứu thuốc mới trong điều trị ung thư vú, tôi quay ra chia sẻ với chồng: “Em vừa dịch một bài về thuốc mới trong điều trị ung thư vú. Nhưng thuốc này không dành cho em vì trong bài nói rằng thuốc phát huy tác dụng tốt đối với phụ nữ mắc ung thư vú hậu mãn kinh (post-menapause). Chồng thản nhiên: em là phụ nữ hậu mãn kinh mà.
Tôi ngẩn ngơ mất một lúc. Chồng nói đúng. Chồng nói sự thật. Tôi quên mất là mình đang sống cuộc sống thể chất và cả tâm lý của một phụ nữ ngũ tuần chứ không phải một cô gái mới ngoài 30 tuổi. Ung thư vú không chỉ cắt ngắn cuộc đời của tôi mà đánh cắp 20 năm trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người, cướp đi cơ hội làm mẹ và bắt tôi chứng kiến rất nhiều tổn thương và mất mát của chính tôi và của những người xung quanh.
Những điều tôi sắp nói có lẽ là nỗi niềm của nhiều phụ nữ Á đông mắc ung thư vú lúc tuổi đời còn trẻ. Tôi không chia sẻ để thoả mãn sự tò mò của đám đông hay khi chồng tôi không phải là đàn ông Việt. Tôi cũng chẳng lên tiếng để gây sốc hay tìm kiếm danh tiếng khi thực tế là chưa có một phụ nữ Việt nào lại "bô bô" kể ra những khổ sở và buồn đau sâu kín của mình và rất dễ dàng bị quy kết vạch áo cho người xem lưng.
Tôi chia sẻ chân thành để bạn tự có câu trả lời và suy ngẫm riêng mình về những nỗi đau có thật của những người phụ nữ trẻ mắc ung thư vú. Nỗi đau đớn hiển hiện như một cơ thể sống nhưng luôn bị rất nhiều phụ nữ Việt Nam chôn chặt, cố gắng giấu diếm và đối đầu với nó trong đơn độc, tối tăm.
Và để một lúc nào đó, một ngày nào đó bạn sẽ thông cảm và yêu thương được những phụ nữ phải chiến đấu với căn bệnh như tôi, ở giai đoạn như tôi và yêu lấy mình để không bao giờ phải kinh qua những đoạn trường gian khó ấy.
Những hình ảnh của Thương trước và sau khi bị ung thư vú, cô vẫn luôn cười lạc quan.
Ung thư vú đã làm gì cơ thể, tâm hồn tôi?
Thuốc nội tiết điều trị ung thư vú làm tôi tắt kinh nguyệt hơn 1,5 năm nay. Trải qua mọi triệu chứng mãn kinh, tôi hiểu hơn những lúc khó ở của mẹ mình. Tôi mắc chứng hay quên hoặc bị tật nói nhịu. Ví dụ, đầu thì nghĩ muốn ăn cơm mà miệng thì nói ra là mình thèm phở. Chuyện này xảy ra hàng ngày, có ngày vài bận. Hoặc nói đi nói lại một việc không biết bao nhiêu lần mà vẫn cứ đinh ninh là mình chưa nói lần nào cả hoặc quên biến một việc đã hứa.
Thuốc nội tiết cũng khiến nhu cầu tình dục tắt ngấm. Bộ phận sinh dục vì thế cũng khô hạn như một hệ quả tất yếu. Việc chẳng hòa hợp và cân bằng nhu cầu tình dục trong đời sống lứa đôi có thể là một mâu thuẫn âm ỉ làm tổn thương lẫn nhau và nghiêm trọng hơn nó làm một tổ ấm có thể rạn nứt và đổ vỡ.
Tôi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú tháng 4/2014. Phụ nữ nhìn cơ thể tôi chắc cũng còn cám cảnh, nói gì đến đàn ông. Phải mất hơn 2 tháng kể từ lúc mở băng vết mổ, tôi mới thấy hết sợ hãi những vết sẹo trên ngực mình. Tôi mới vượt qua được cảm giác mình thật xấu xí và mới ngừng hỏi chính mình rằng tôi có còn là phụ nữ không?
Điều trị ung thư vú đã di căn khiến toàn bộ xương cốt, cơ khớp bị tổn thương, đau đớn. Nói cách khác, tôi sẽ phải sống chung, phải làm bạn với những đau đớn bất tận về thể xác. Và vì thế đừng ngạc nhiên, khi bạn nghe thấy một bệnh nhân ung thư than thở họ thèm chết hoặc muốn chết cho xong. Những lúc đau quá mà thuốc giảm đau không giúp được nhiều, thì ý nghĩ giá mà chết đi được cho đỡ nhọc xác, đỡ đau đớn, đỡ khổ cho người thân lại có dịp xuất hiện. Điều đó cũng hết sức bình thường.
Tôi uống 3 liều giảm đau hàng ngày, mỗi liều có tác dụng trong vòng 8 tiếng để tôi vẫn có thể sống, sinh hoạt như một người bình thường. Nên nếu bạn thấy cũng một người bệnh ung thư di căn nhưng tươi tỉnh, khỏe khoắn như người bình thường thì cũng đừng mặc định rằng họ chẳng sao cả.
Hàng đêm, tôi mất ngủ vì lúc thì quá nóng, mồ hôi toát ra, cả người hầm hập. Nhưng được một lát thì cả cơ thể co lại rúm ró vì lạnh. Thuốc ngủ chẳng xi- nhê gì. Đêm nào ngủ được 3-4 tiếng là đêm đó thấy vui. Mỗi sáng thức dậy đỡ cảm thấy kiệt quệ năng lượng, cả ngày bớt dật dờ như xác chết. Rồi chỉ cần ăn uống thay đổi nho nhỏ là táo bón, nào thì tiêu chảy, nào thì mất hết cả vị giác, lẫn nhu cầu thèm ăn, thèm uống… nào là ăn vào lại muốn nôn sạch ra, nhai thức ăn mà như một cực hình…khi truyền hóa chất.
Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lốc tố cáo rằng: tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Nói trắng ra, tôi là một phụ nữ không đủ khả năng làm vợ, làm mẹ. Với nhiều phụ nữ, rơi vào cảnh như thế thì chết cho rồi, sống sao nổi. Với nhiều đàn ông nhìn vào tôi thì sẽ tự hỏi mình làm sao mà yêu được 1 phụ nữ như thế.
Bạn làm gì khi chờ đợi?
Có lần tôi bị xúc động mạnh khi đọc một bài viết của dịch giả Nguyễn Bích Lan về sự chờ đợi thuốc chữa của những người mắc bệnh hiểm nghèo bởi câu hỏi "bạn làm gì khi chờ đợi?
Sống đơn giản là một hành trình đi về cái chết như một văn hào nào đó đã từng đúc kết. Có người hỏi tôi có sợ chết ko? Tôi sợ chứ. Sự thật là tôi nghĩ đến cái chết hàng ngày. Tôi phải chứng kiến nhiều cái chết của rất nhiều người, cả thân lẫn sơ. Lẽ ra ở cái tuổi thất thập cổ lai hy con người mới hay phải trải nghiệm điều đó.
Rồi những nỗi sợ tầm thường hơn, tủn mủn hơn, do tưởng tượng nhiều hơn cũng góp phần làm cho sự sợ hãi chỉ biết phình to ra mà không có cách nào co kéo cho xẹp bớt lại. Ví dụ như sợ những cơn đau, sợ đi tắm sờ phải cục ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, sợ phải nghe tin xấu, sợ một ngày phải ra đi mà chưa chuẩn bị gì cả, sợ bỏ dở những ước nguyện đẹp đẽ và sợ rằng mọi hy vọng sẽ bị dập tắt…
Nhưng cuộc sống của những người bị ung thư ở giai đoạn đã di căn xa vào xương, vào gan như tôi thì chắc chắn không chỉ là những gam màu tối thui, không chỉ là nước mắt, không chỉ là những cơn đau không có điểm dừng, không chỉ là những vụn vặt hàng ngày hay lo lắng chất chồng về tiền bạc, công việc, chồng con, gia đình… đâu đó vẫn có những mặt tích cực.
Tôi có một người bạn, cô ấy mất mẹ vì ung thư phổi. Gần 3 năm chăm mẹ, cô ấy bảo cô ấy chuyển hóa thành một người khác. Cô ấy bảo căn bệnh ung thư của mẹ đã khiến cô ấy biết sống yêu thương và biết ơn nhiều hơn.
Quay trở lại câu chuyện với chồng tôi ở trên, ít nhất, có lúc tôi quên mình đang sống cuộc sống của một phụ nữ ngoài 50, để có những giây phút sống với tuổi thực của mình hoặc quên rằng mình là một bệnh nhân ung thư - dù -chỉ-trong-chốc-lát.
Nếu một ngày bạn thấy một phụ nữ đi vào "cửa hàng người lớn" thì cũng đừng ngay lập tức kết tội "chị kia thật lăng loàn, dâm dục". Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 15,000 phụ nữ mắc ung thư vú và hơn 30% trong số đó là phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi. Có những người đi vào cái cửa hàng đó là những người dũng cảm hành động để bảo vệ cuộc sống hạnh phúc gia đình họ.
Tôi có chị bạn, thân gái lấy chồng xa, một nách hai con nhỏ, mắc ung thư vú, từ lúc chẩn đoán, phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị… đa phần phải xoay sở một mình. Chị bảo, lúc nào cũng gồng mình lên cố gắng, có lúc ngồi thụp xuống khóc tu tu. Khóc một hồi lau nước mắt, lại tiếp tục hi vọng, tiếp tục sống cuộc sống của mình. Rồi phác đồ điều trị kéo dài gần 1 năm cũng kết thúc. Chị bảo chị sẽ đi du lịch một chuyến trước khi quay về với công việc.
Tôi biết yêu những vết sẹo trên cơ thể mình - như lời một người đồng cảnh nói với tôi rằng hãy nhìn vào vết sẹo để cảm ơn vì nó mà tôi còn sống. Nói đến đây tôi lại nhớ đến cô gái Turia Pitt một người mẫu chuẩn bị làm đám cưới thì gặp tai nạn khiến cơ thể và khuôn mặt bị cháy xém, tổn thương toàn bộ. Cô ấy tự hào chia sẻ rằng: “Con người của bạn có nhiều giá trị hơn hình hài, chắc chắn là như vậy”.
Tôi không nói về sự lạc quan để dỗ dành sự yếu đuối trong mình, vuốt đuôi những ai đang cần một chút dựa dẫm về tinh thần bởi sự lạc quan là có thật, từ những con người có thật. Tôi cũng luôn cố gắng để thành thật với chính mình trong những lúc khó khăn và cả những khi hạnh phúc nữa.
Và dù bệnh tật có làm cho hình hài, thân thể bạn ra sao đi chăng nữa, bạn vẫn còn nhiều việc phải làm và vẫn phải sống thay vì ngồi một chỗ khóc thương chính mình. Và quan trọng hơn, nếu bạn không ngồi khóc thương chính mình trong khi chờ đợi thì mỗi ngày qua đi sẽ là một ngày SỐNG trọn vẹn cho mình và cho những người thân yêu.