Sang tên sổ đỏ là gì?
Sang tên sổ đỏ là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Sang tên sổ đỏ cho con: Nên cho tặng hay thừa kế thì tốt hơn?
Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người c.h.ế.t sang người thừa kế thông qua di chúc hợp pháp hoặc theo quy định của pháp luật. Sang tên Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) theo hình thức thừa kế chỉ được thực hiện khi cha, mẹ c.h.ế.t.
Còn tặng, cho quyền sử dụng đất là một dạng cụ thể của tặng, cho tài sản, đó là việc người sử dụng đất chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác khi mình còn sống mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng, cho đồng ý nhận theo sự thỏa thuận.
Theo đó, cần sang tên Giấy chứng nhận theo hình thức tặng, cho được thực hiện khi cha mẹ còn sống.
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng, cho, thừa kế khi có đủ các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC và khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP: Tặng, cho, thừa kế nhà đất giữa vợ với chồng; bố đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; bố nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.
Điều cần lưu ý khi sang tên sổ đỏ cho con
Điều kiện để được sang tên sổ đỏ
Đối với bố mẹ, khi sang tên sổ đỏ cho con phải đủ các điều kiện sau:
- Đất có giấy chứng nhận (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai).
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Không sang tên sổ đỏ bằng lời nói
Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Vì thế, bố mẹ muốn sang tên sổ đỏ cho con thì phải lập thành hợp đồng và công chứng chứng thực theo quy định.
Phải thực hiện đăng ký biến động đất đai trong thời hạn 30 ngày
Theo khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2013, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì phải thực hiện đăng ký biến động đất đai.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 95 Luật đất đai 2013, trong vòng 30 ngày kể từ ngày tặng cho sổ đỏ, các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Sang tên nhưng không đăng ký biến động đất đai sẽ bị phạt
Trường hợp sang tên sổ đỏ nhưng không đăng ký biến động đất đai, cá nhân, hộ gia đình sẽ bị phạt hành chính. Cụ thể, phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn nêu trên mà không thực hiện đăng ký biến động;
- Phạt tiền từ 2 triệu – 5 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn nêu trên mà không thực hiện đăng ký biến động.
Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt nêu trên.
Bố mẹ sang tên sổ đỏ cho con được miễn thuế TNCN, lệ phí trước bạ
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Còn theo Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, nhà đất là quà tặng giữa: Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể được miễn lệ phí trước bạ.