Sao Mai Ngọc Anh ly dị chồng nhưng vẫn chung tay dạy con

06:43, Thứ ba 09/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Sao Mai Ngọc Anh tâm sự.



Chào chị, sau tất cả những sóng gió đã trải qua, có thể nói chị mất nhiều, nhưng cũng được rất nhiều. Vậy điều gì là quan trọng nhất mà chị có được tính đến thời điểm này?

Ngọc Anh: - Tôi đang có một cuộc sống tương đối là bình yên, hạnh phúc. Có con gái Phương Anh ở bên cạnh là niềm vui lớn và tôi cảm thấy ấm áp mỗi khi trở về nhà. Nuôi dạy con và tiếp tục công việc ca hát là những gì tôi cần cố gắng trong thời điểm này. Con gái chính là điều quý giá nhất trong cuộc sống đối với tôi.

Tôi cho cháu học mẫu giáo từ năm 3 tuổi. Cháu Phương Anh hiện đang học tại một trường mầm non Quốc tế

Chị có thấy quá sức không khi phải đảm nhiệm cả hai vai trò làm cha và làm mẹ cùng 1 lúc?

Ngọc Anh: - Ồ, không! Tuy tôi và bố Phương Anh đã chia tay, nhưng việc giáo dục cháu chúng tôi vẫn thống nhất là cùng nhau. Bố cháu vẫn đến thăm cháu, dạy cháu học, đưa cháu đi chơi, mua đồ vào những dịp cuối tuần hay lễ tết.

Làm mẹ là bản năng nên tôi làm quen rất nhanh. Công việc của tôi cũng đòi hỏi nhiều thời gian, có khi phải đi diễn đến nửa tháng, những lúc như vậy thì có ông bà ngoại và cô giúp việc trông cháu giúp. Mọi người luân phiên nên cũng đỡ đi phần nào.

 - Một mình nuôi dạy con cái, chị phải đối mặt với vô số thử thách, buồn vui. Những trải nghiệm trong cuộc sống có làm thay đổi cách nhìn cuộc sống của chị? Phương pháp dạy con của chị là gì?

Ngọc Anh: - Những gì bản thân trải qua, khiến tôi thấy mình chín chắn hơn, vì thế khi dạy dỗ con mình cũng kiên trì và điềm đạm hơn. Các cụ vẫn nói: Bố mẹ sinh con trời sinh tính. Là con gái nhưng Phương Anh rất cá tính, mạnh mẽ và độc lập. Mình cũng để cho cháu phát triển tự nhiên và đặc biệt là rất kỵ việc dùng đòn roi với con. Khi nào cháu phạm sai lầm không thể để yên được thì lúc đó mình cũng có biện pháp như phạt úp mặt vào tường, răn đe cháu, còn việc đánh con là rất kỵ

Đối với Phương Anh, tôi thường trò chuyện với cháu, nói cho cháu hiểu những việc làm của mình. Tuy không đánh con, nhưng cháu lại rất sợ mẹ. Nhiều khi mẹ chỉ cần nhìn là đã biết ý rồi, không cần phải để mẹ quát to hay đánh. Trẻ tầm tuổi này rất dễ tổn thương, những việc làm của người lớn dễ in sâu vào tiềm thức, nếu bị đánh hay quát mắng nhiều khiến trẻ có những suy nghĩ lệch lạc.

Điều chị mong muốn nhất khi dạy con?

Ngọc Anh: - Một điều mà tôi luôn muốn hướng con mình theo đó là về với cội nguồn. Tôi luôn tâm niệm một điều: Uống nước nhớ nguồn. Trong cách dạy con, tôi cũng áp dụng điều đó. Tôi rất thường xuyên cho cháu về quê. Dạy cháu trân trọng tình cảm gia đình, tình cảm với ông bà, cô chú, anh chị em họ hàng.

Đến bây giờ mỗi lần về quê như là một món quà đối với cháu mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết, cháu rất thích. Bạn có tin rằng, khi cháu về nhà ông bà, cháu bảo với tôi: “Con thắp hương cho các cụ nhé, con vái các cụ nhé!” Mặc dù mình không hề bảo cháu phải làm như vậy. Điều đó thấy được, cháu có lòng biết ơn, kính trọng và yêu quý cội nguồn của mình.

Khi cho cháu về quê, cháu được hòa mình vào thiên nhiên, điều đó tôi cũng rất mong muốn. Ngay tại nhà hiện tại, tuy nhỏ nhưng tôi cũng cố gắng để không gian trong nhà nhiều cây xanh, dạy cháu làm quen với tự nhiên, các con thú trước hết là để cháu được biết, sau đó là nuôi dưỡng tâm hồn cháu.

Có rất nhiều kiến thức khác nhau bố mẹ muốn con học trong độ tuổi của Phương Anh, chị dạy theo cách nào?

Ngọc Anh: - Quan điểm của mình là trẻ từ 1 đến 5 tuổi thì tốt nhất nên cho các cháu phát triển tự nhiên. Cháu đã học mẫu giáo, ở trường cô giáo dạy cháu cái gì thì cháu tiếp thu, còn ngoài ra không ép cháu học thêm gì nữa, vì thực tế độ tuổi đó còn quá bé. Tôi muốn con hồn nhiên, được vui chơi. Điều mà tôi muốn con được học là những bài học tự nhiên.

Khi mà sự non nớt của trẻ con được tiếp xúc với thiên nhiên, sẽ khiến chúng ghi nhớ suốt cả cuộc đời, theo cháu lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn cháu. Những bài học như vậy cháu sẽ nhớ lâu hơn là những gì học trên lớp ở độ tuổi này.

Dù ở đâu, thuộc nền văn hóa khác nhau, cách nhìn nhận cuộc sống khác nhau, nhưng con người nếu hướng về nguồn cội, hướng về thiên nhiên thì sẽ có nhiều cảm xúc, tình cảm. Đó là bài học đầu tiên tôi muốn con mình biết đến.

Ngay từ bây giờ cháu biết chú ý đến những gì bình dị của cuộc sống hàng ngày, được tiếp xúc và phản ứng với mọi vật, điều đó giúp cháu có vốn sống sau nay. Dù là vấn đề gì cũng phải xuất phát từ những cái nhỏ nhất mới có thể đến tầm vĩ mô được. Tôi muốn giáo dục con một cách trình tự, không đốt cháy giai đoạn.

Ngọc Anh và bé Phương Anh
Ngọc Anh và bé Phương Anh

Chị nói bé Phương Anh rất độc lập. Điều này do chị giáo dục cháu hay do hoàn cảnh sống xa bố, mẹ hay vắng nhà tạo cho bé sự độc lập ấy?

Ngọc Anh: - Tất nhiên cũng do hoàn cảnh ảnh hưởng đến tính cách của cháu. Không thường xuyên gặp bố, mẹ hay vắng nhà nên cháu rất chủ động trong cuộc sống. Hiện tại cháu đã tự chọn đồ để mặc, giờ nào đi học, giờ nào tắm, ăn tối, uống sữa, mẹ không hề phải nhắc.

Mình cho rằng đó cũng là cách thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên, ngay từ khi sinh ra, tôi thấy Phương Anh đã rất độc lập rồi, cháu ít nhõng nhẽo, thích hay không thích rất rõ ràng. Tôi thấy sự độc lập đó là tốt, không có gì xấu cả.

Tiếp xúc với chị, cảm nhận chị rất hiền nhưng với con cái hình như có phần cứng rắn?

Ngọc Anh: - Tôi cũng như bao bà mẹ khác, rất yêu con, và cũng chiều con. Nhưng chiều theo cách bố mẹ mình chiều mình: chiều ăn, chiều mặc, nhưng trong giới hạn cho phép. Mình có khả năng đáp ứng cho con đến đâu thì đáp ứng ở mức độ thấp hơn, và phải hợp lý.

Cháu Phương Anh rất yêu mẹ, nhưng cũng sợ mẹ nhất nhà. Điều đó theo đúng nguyên tắc của tôi. Phải để con vừa sợ vừa yêu, và phải biết sợ ít nhất một người trong gia đình. Nhưng không phải cháu sợ mẹ đánh hay sợ mẹ mắng, mà cháu sợ mẹ giận, sợ mẹ buồn hay sợ mẹ dỗi. Điều đó cũng là hiệu quả tôi thấy được khi dạy con tình cảm gia đình

  • Thúy Trần
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc