Lễ cúng Tất niên cuối năm
Cúng Tất niên là lễ cúng để khép lại một năm đã qua và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới. Theo phong tục, thường là cúng vào trưa hoặc chiều này cuối năm. Thường là cúng vào ngày 30 Tết. Với lễ cúng này, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng để mời gia tiên, tiền tổ về ăn Tết với con cháu.
Trong mâm cỗ cúng ông bà, gia tiên có thể đủ các món chay, mặn, tùy theo điều kiện của gia chủ. Về cơ bản sẽ có các món như: thịt kho trứng, xôi, gà luộc, chả, nem, thịt đông, các loại bánh, chè hạt sen, trà, rượu, hoa quả. Có nhiều gia đình chọn nấu món ăn mà lúc tại thế ông bà thích dùng.
Ý nghĩa của lễ cúng này trước là để thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền bối, đấng sinh thành, sau là để con cháu sum họp, chúc tụng, chuyện trò.
Lễ cúng Giao thừa
Lễ cúng này được thực hiện vào đêm 30 Tết, còn được gọi là cúng trừ tịch hay “tống cựu nghinh tân”. Ý nghĩa của nó là nhằm xóa bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp của năm mới.
Thường người dân sẽ chuẩn bị 2 mâm cỗ cùng ngoài trời và trong nhà để nghênh đón tài lộc và cầu gia đạo bình an.
Với mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời thường sẽ có 1 bát hương với 3 nén to, đĩa trái cây, hoa tươi, trầu cau, 2 ngọn nến, gà luộc, bánh, mứt, kẹo, trà rượu. Còn với mâm cỗ cúng trong nhà thì có thể là mâm mặn bao gồm: Bánh, xôi đậu xanh, giò chả hoặc mâm ngọt gồm có bánh, mứt, kẹo, hoa quả.
Lễ cúng Tân niên
Đây là lễ cúng nhằm cầu mong ông bà, tổ tiên và các bậc thần linh ban cho phước lành, may mắn, giúp gia chủ có một năm mới an khang, thắng lợi. Có thể thực hiện lễ cúng này vào buổi trưa hoặc buổi chiều mùng 1.
Những món cơ bản không thể thiếu trong mâm cỗ cúng này gồm có bánh chưng, xôi, gà, giò, thịt lợn,… Vào ngày mùng 1 theo quan niệm kiêng cử sát sinh nên việc chuẩn bị gà cúng sẽ được tiến hành vào đêm trước. Sau khi cúng xong con cháu thụ lộc tổ tiên rồi mới đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, bạn bè.
Lễ cúng Chiêu Điện và Tịch Điện
Lễ cúng này được thực hiện vào ngày mùng 2 Tết và có 2 mâm lễ cúng. Mâm cơm cúng buổi sáng gọi là Chiêu điện, mâm cơm cúng buổi chiều gọi là Tịch Điện. Ý nghĩa của lễ cúng này là bày tỏ lòng hiếu kính đầy đủ khi mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Lễ cúng hóa vàng
Thường thì lễ cúng hóa vàng diễn ra vào ngày mùng 3 Tết. Vào ngày này sẽ làm lễ cúng hoá vàng để tiễn ông bà tổ tiên, đồng thời đón thần tài, thần lộc.
*Thông tin chỉ mang tính tham khảo