Sống vì những cái gật đầu

09:30, Thứ tư 24/06/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Quan điểm số đông không phải là chân lý duy nhất càng không phải là chân lý cuối cùng.

Mùa bằng lăng bung nở, mùa phượng đỏ thắp lửa và khi đường phố ngập tràn những bóng áo xanh tình nguyện của chiến dịch Tiếp sức mùa thi… cũng là tín hiệu của một mùa thi Đại học lại bắt đầu, mùa mà cái nhìn của cả xã hội sẽ hướng về các sĩ tử, những thế hệ kế cận, những thế hệ được coi là một phần của thước đo xã hội. Tôi lại thấy lòng nôn nao, cho những ước mơ mới sắp sửa khai mầm, cho cả những mơ ước phải vùi chôn vào lòng để mơ hộ giấc mơ của người khác.

Dịp này tôi hay nhận được những câu hỏi xin tư vấn của các bạn về việc chọn trường. Đưa ra một lời khuyên cảm tính cá nhân rất khó, nên tôi thường qua loa với các bạn một câu: Hãy chọn trường nào, nghề nào mà bạn đam mê, cảm thấy hợp với năng lực của mình! Thật bất ngờ, có đến hơn 90% các bạn sau khi nói ra ngôi trường mình chọn, nghề mình định theo đều chốt lại rằng: Nhưng bố mẹ em bắt em phải theo nghề ABC.

Định hướng của phụ huynh thật ra không phải là một đặc trưng riêng có ở nước ta. Nó cần và tồn tại ở nhiều quốc gia. Điều này hữu ích trong bối cảnh con em họ chưa định hướng được con đường nào phù hợp cho mình. Ai đã từng xem Ba chàng ngốc (một bộ phim hài của điện ảnh Ấn Độ - Bollywood) hẳn còn nhớ đến nhân vật Farhan (R. Madhavan), cũng là người kể chuyện trong phim, có ước mơ trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh động vật hoang dã, nhưng vì ước muốn của gia đình nên đã thi vào Học viện Cơ khí.

Sự định hướng này nếu phù hợp hẳn nhiên là tốt, nhưng nếu bắt buộc con em mình theo học một ngành nghề theo đó mà họ không có đam mê và yêu thích sẽ tạo ra những cá nhân làm việc theo bản năng của một chiếc máy. Đam mê - dĩ nhiên rồi trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công. Nhân vật Farhan trong Ba chàng ngốc cuối cùng cũng đã bảo vệ được đam mê của mình. Tuy nhiên, không có nhiều bạn trẻ Việt Nam làm được như thế.

Ở các vùng quê nước ta, đặc điểm làng xã sinh sống theo kiểu cộng cư đã tạo nên những tính cách vô cùng đáng quý. Nổi bật lên là sự yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, nhưng đây cũng là một rào cản khiến cho không phải ai cũng dễ sống theo ý mình. Tôi biết một cặp vợ chồng từ lâu đã không còn hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng họ chưa một lần nghĩ đến việc bỏ nhau, bởi làm thế sẽ xấu mặt bố mẹ ở quê, rồi thì người làng lại xì xào khổ các cụ. Suy nghĩ của người khác lại trở thành điều quyết định hạnh phúc của chính chúng ta.

Không chỉ chọn nghề, việc chọn chỗ làm của người trẻ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ phụ huynh – những người vốn chịu sức ép từ xã hội. Một bạn làm ở doanh nghiệp nước ngoài, thu nhập cao nhưng vẫn sẽ không được thừa nhận như một ngôi sao sáng, vì ngôi sao sáng phải là một “công chức nhà nước, công việc đời đời bền vững, không lo mất mùa đói kém”. Không ít trường hợp bạn trẻ đi theo con đường trở thành một công chức chỉ để vừa lòng cha mẹ.

Không cứ gì ở nông thôn, cuộc sống thành thị cũng gượng ép con người ta theo xu hướng phù hợp với cách nghĩ phổ biến nhất. Một người bạn của tôi đã không chịu được sức ép xã hội từ phía gia đình người yêu mình và người thân của mình khi có ý định đi đến hôn nhân với một cô bạn không xinh đẹp, nhưng sinh ra trong một gia đình giàu có, lý do đơn giản được đưa ra vì không mấy ai tin tưởng có một tình yêu đích thực mà chỉ là một cái cớ để khoan đục khối tài sản của gia đình cô. Hai người cuối cùng không đến được với nhau, định kiến xã hội buộc họ phải sống bằng một cách lựa chọn được nhiều người chấp nhận nhất.

Quan điểm số đông không phải là chân lý duy nhất càng không phải là chân lý cuối cùng. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, số đông lại điều chỉnh được hành vi con người. Số đông lên án điều ác, sẽ khiến cho nhiều người tránh điều ác, hành thiện nhiều hơn. Nhưng số đông hay ý người khác chỉ nên là một kênh tham khảo, không phải là sức ép tối thượng để bạn phải làm theo cái gật đầu của họ, hay của ai đó có một sức mạnh lấn át. Nghĩ thì dễ thế, nhưng làm khó thay. Cứ vào các cơ quan nhà nước thì biết, có mấy ai dám đứng lên phản biện ý kiến của thủ trưởng, sếp mình hay chỉ cun cút làm theo ý của lãnh đạo. Xã hội nào tạo ra con người ấy, muốn thay đổi con người chắc phải chờ xã hội đổi thay.

Một mùa thi đang tới, hi vọng rằng đại đa số đông đảo sĩ tử ấy là những người dám làm theo ý thích và đam mê của mình, chứ không xuất phát từ ý muốn hay những cái gật đầu của bố mẹ.

Sự thật trần trụi sau chiếc mặt nạ của mỗi người
Tập đoàn Thánh Cô Cô Bóc đã rút lui khỏi thế giới mạng, thế nên, tôi muốn bàn một chút về những điều đọng lại.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt