Gương - kính và cửa sổ được coi như tai mắt của căn hộ, đón sinh khí, tán hóa sát khí, tạo hiệu ứng tốt về cảm giác không gian, tăng cường khả năng chiếu sáng… Sử dụng gương - kính và thiết kế cửa sổ cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây để đạt được hiệu quả cao nhất.
Không sử dụng phối hợp gương với kính để tránh sản sinh sát khí nội tại hoặc tự “rước họa”. Chỉ sử dụng gương vào mục đích trang điểm hoặc quán chiếu ngoại cảnh, không phối hợp với kính để trang trí nội thất. Khúc xạ ánh sáng giữa gương và kính sẽ ảnh hưởng tới thị lực, hệ thần kinh và gan; gây ảo giác và khiến người trong nhà thường gặp ác mộng.
Không treo gương đối xứng với vị trí chủ nhà hoặc chủ phòng. Nghĩa là không treo gương đối xứng với giường ngủ, vị trí chủ nhà thường ngồi tiếp khách hoặc ngồi làm việc ở văn phòng. Các cơ quan, đơn vị có nhiều nhân viên hoặc sử dụng nhiều lao động nên thiết kế giá gương dọc hành lang ra vào văn phòng, công xưởng; tạo khung chắn bớt phạm vi quán chiếu, tức là chỉ phục vụ nhu cầu soi gương khi cần thiết.
Gương treo trong phòng làm việc đông người phải đảm bảo chỉ quán chiếu một hướng duy nhất, hoặc dùng vải màu nâu đỏ phủ kín mặt gương, chỉ mở ra khi sử dụng. Không treo gương xung với phương vị sinh khí, vượng khí của chủ nhà, chủ phòng. Vị trí sinh khí được xác định theo nguyên lý “đông - tây tứ trạch và đông - tây tứ mệnh” của phong thủy Bát trạch.
Tuyệt đối không được treo gương đối xứng với bếp lò
Gương xung phương sinh khí sẽ gây hao tán tài lộc, ảnh hưởng đến công danh, quan vận; xung phương thiên y sẽ làm giảm cơ hội “gặp thày gặp thuốc”, ảnh hưởng đến sức khỏe; xung phương diên niên sẽ ảnh hưởng đến tình cảm, vận may; xung phương phục vị thì tổn hại phúc đức, ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp của con cháu trong gia đình, gia tộc. Ngược lại, gương xung các hướng xấu có tác dụng hóa sát, ngăn chặn sát khí xâm phạm không gian sống, làm việc. Có thể treo gương để hóa sát khí của tuyệt mệnh, lục sát, họa hại hoặc ngũ quỷ. Muốn hóa giải loại sát khí nào thì treo gương đối xứng với phương vị của sát khí đó.
Gương có nhiều loại như gương phẳng, gương cầu lồi, gương cầu lõm, gương bát quái, gương bách hổ, gương sơn cảnh tứ quý hoặc có in hình chim phượng… Trong mọi trường hợp đều không nên sử dụng gương cầu lõm. Ngoại trừ các thày phù thủy, thày phong thủy, người bình thường dù hiểu biết thấu đáo về phong thủy cũng không nên tự mua và sử dụng các loại gương bách hổ, long hổ, gương bát quái…
Trong gia đình hoặc các cơ quan, đơn vị sinh hoạt tập thể, tuyệt đối không được treo gương đối xứng với bếp lò. Phạm cấm kỵ này sẽ tổn hại đến nhân sự trong gia đình, gây mất đoàn kết, xáo trộn trong đơn vị, đàn ông hay đau ốm, công việc không ổn định. Không treo gương đối xứng hoặc chiếu vào phía cửa (cổng) chính nhà ở hoặc cơ quan, đơn vị. Nếu treo gương cạnh cổng chính nhằm mục đích chỉnh đốn trang phục trước khi vào nơi làm việc thì phải tạo đủ 4 vách, sao cho gương chỉ chiếu một hướng duy nhất.
Kính chủ yếu được sử dụng trong kiến trúc nhà chung cư, văn phòng, trụ sở, nhà xưởng…Nhiều tòa kiến trúc hiện đại thậm chí sử dụng gần như toàn bộ vách kính. Mục đích chính của việc sử dụng kính xây dựng là lấy ánh sáng và thể hiện ý tưởng, khát vọng của kiến trúc sư hoặc chủ công trình. Ngày càng có nhiều tòa nhà chọc trời sử dụng một tỉ lệ lớn vách kính nhưng nếu không tuân thủ nguyên lý phong thủy, những công trình sử dụng nhiều loại vật liệu này sẽ gây tác hại khó có thể lường hết được, nhất là “thiên trảm sát”.
Kính xây dựng dù có nhiều kích cỡ, độ dày mỏng, độ thuần thủy tinh, màu sắc, kiểu dáng khác nhau nhưng tính chất cơ bản của nó là thấu sáng, dẫn khí và sinh thủy rất mạnh. Sử dụng kính xây dựng phải căn cứ vào vị trí của công trình kiến trúc, đặc điểm ngũ hành của hướng nhà, của kính và màu sắc của nó. Tốt nhất là vận dụng nguyên lý ngũ hành tương sinh, hạn chế tối đa việc sử dụng kính trong trấn yểm.
Theo đó, nhà (tường vách) hướng tây nam, tây và tây bắc nên sử dụng kính màu sẫm, màu đen, màu ghi hoặc xanh sẫm (màu dưa hấu). Nhà hướng bắc nên sử dụng kính màu xanh da trời, màu xanh nước biển hoặc màu đen. Nhà hướng đông bắc sử dụng kính màu nâu đỏ, màu cánh dán hoặc màu trắng ngà. Nhà hướng đông và đông nam sử dụng kính màu xanh nước biển, đại kỵ kính màu trắng. Nhà hướng nam nên sử dụng kính màu xanh, màu nâu đỏ, màu cánh dán; kỵ dùng kính màu trắng hoặc màu xanh nước biển.
Ngoài ra, việc lượng hóa và phối hợp hài hòa âm dương ngũ hành của kính với hình khối kiến trúc, phương vị và chức năng sử dụng của công trình… sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả phong thủy khi sử dụng kính trong kiến trúc nhà ở, trang trí nội thất.