Tại sao không nên phơi quần áo vào ban đêm?
Như chúng ta đã biết, ánh nắng mặt trời rất tốt giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn, vì vậy việc phơi quần áo vào ban đêm, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nấm, mốc và vi khuẩn sinh sôi và sương đêm xuống làm quần áo bị ẩm, có mùi hôi khó chịu.
Nếu quần áo không nhận được ánh sáng mặt trời lâu ngày, bị ẩm thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến độ bền, sợi vải sẽ nhanh bị mục mà còn gây ra hậu quả khôn lường khi mặc quần áo ẩm mốc như các bệnh ngoài da: nấm, hắc lào và các bệnh dị ứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến làn da nhạy cảm của chúng.
Nên phơi quần áo như thế nào cho đúng để bảo vệ sức khỏe gia đình?
Điều đầu tiên khi phơi quần áo là bạn nên chọn những nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Đối với những quần áo trắng, không màu thì bạn có thể phơi dưới ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài mà không sợ phai màu áo.
Còn đối với những loại quần áo màu hoặc quần áo sử dụng vải len, sợi, tơ tằm… thì bạn có thể chọn những nơi thông thoáng, có gió, hạn chế ánh nắng trực tiếp vì chúng có thể bị phai màu, ảnh hưởng đến độ bền của quần áo.
Nếu những gia đình có diện tích nhà khá nhỏ, không có không gian để phơi quần áo thì bạn có thể mua máy giặt sấy không cần phơi hoặc chọn những nơi cao tráo, thông thoáng, có gió để quần áo không bị ẩm, hạn chế có loại vi khuẩn gây bệnh có khả năng sinh sôi. Bạn không nên phơi quần áo trong bếp, nhà tắm vì sẽ làm chúng bị nhiễm mùi và ẩm ướt.
Bạn nên kiểm tra thường xuyên nếu quần áo phơi đã khô thì bạn nên xếp và cất chúng vào tủ để tránh vi khuẩn do môi trường bên ngoài ô nhiễm. Đồng thời, nên giũ quần áo khi bạn lấy vào giúp bụi bay bớt để bảo vệ an toàn khi mặc quần áo.
Điều nên nhớ là bạn nên phơi quần áo ngay sau khi giặt, tránh việc để quần áo quá lâu trong máy giặt rồi mới đem phơi. Việc này rất nguy hiểm đến sức khỏe vì đó sẽ tạo môi trường ẩm mốc bên trong máy giặt và quần áo của bạn.
Ngoài ra, tránh việc ngâm quần áo trong nước xả vải hoặc để chúng trong nước quá lâu, khiến các chất hóa học ngấm sâu vào trong sợi vải tạo điều kiện phát triển thêm vi khuẩn có hại cho da.