Ở Việt Nam, mỳ ăn liền vẫn hay được gọi là mỳ tôm. Sản phẩm này được bán với nhiều mức giá khác nhau, từ khoảng 4.000 - 5.000 đồng đến mấy chục nghìn đồng mỗi gói. Nhưng dù ở mức giá nào, thành phần của gói mỳ ăn liền cũng bao gồm vắt mỳ, gói dầu ăn, gói gia vị, có thể có thịt khô, rau củ khô nhưng tuyệt không có những con tôm như hình quảng cáo.
Vậy tại sao mỳ ăn liền được gọi là mỳ tôm?
Đây là câu hỏi vô số người đặt ra trong nhiều năm nay.
Tại sao mỳ ăn liền được gọi là mỳ tôm?
Để trả lời câu hỏi tại sao mỳ ăn liền được gọi là mỳ tôm, cần trở lại khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, khi món này xuất hiện ở Việt Nam. Theo cách lý giải trên chương trình VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, trước những năm 1975, thị trường có loại mỳ mang tên "Mỳ tôm Colusa" của Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa.
Một thập kỷ sau, vào năm 1985, Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket được thành lập. Vào năm 2004, hai xí nghiệp này được sáp nhập thành Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa - Miliket và sản phẩm mỳ Miliket ra đời. Thời gian đó, các sản phẩm mỳ ăn liền không đa dạng với hàng trăm loại như bây giờ, và Miliket là cái tên nổi bật với nhãn hiệu 2 con tôm. Người dân quen gọi mỳ ăn liền là mỳ tôm và cách gọi này vẫn phổ biến đến bây giờ.
Khi mới xuất hiện trên thị trường, mỳ tôm là món mới lạ, hợp khẩu vị nhiều người. Hồi đó người dân còn nghèo, nên mỳ tôm đối với nhiều gia đình vẫn là thứ sang trọng, trẻ con thậm chí còn mong ốm mệt để được vòi vĩnh bố mẹ cho mua mỳ tôm.
Ngày nay, mỳ ăn liền là món ăn nhanh tiện lợi và rất rẻ so với mức sống bình quân. Nó được chế biến đa dạng với nhiều vị khác nhau nên rất được yêu thích. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều mỳ tôm không phải là cách ăn uống lành mạnh.
Ăn mì tôm có tốt không?
Cơ thể con người muốn khỏe mạnh cần nhận đủ 6 nhóm chất: protein, mỡ, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và nước. Thiếu chỉ một trong số nhóm chất trên cơ thể dễ mệt mỏi, tình trạng kéo dài dẫn đến suy nhược, mắc các bệnh tật trầm trọng...
Với 1 gói mì tôm, thành phần chủ yếu là bột mì và phụ gia, người dùng nhận được khoảng 190 calo, tương đương với 1 bữa ăn phụ.
Calo trong mì tôm chứa nhiều carbohydrate, khiến cơ thể tăng 33,7 % chất béo và 10,7 % lượng protein thực vật. Như thế nếu chỉ ăn mì tôm, ăn thay cho cả bữa chính thì cơ thể sẽ thiếu khá nhiều dinh dưỡng.
Không chỉ kém về dinh dưỡng, thành phần của mì tôm với khá nhiều chất phụ gia cũng gây nhiều tác động lên sức khỏe:
- Chất béo trong mì tôm (từ dầu chiên, bột mì, gói dầu gia vị) xét ra chủ yếu là loại Trans fat - chất béo dư thừa có hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao....
- Mì tôm chứa lượng muối cao gấp 1.8 lần so với nhu cầu hàng ngày của cơ thể con người (6 gr/người/ngày). Vì thế ăn nhiều mì tôm sẽ tăng áp lực lên thận, gây nguy cơ sỏi thận.
- Phụ gia cùng chất bảo quản trong mì tôm cũng khiến dạ dày và hệ tiêu hóa làm việc vất vả hơn, đồng thời ăn quá nhiều mì tôm cũng tăng khả năng ung thư và đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.