Suối cá Cẩm Lương nằm ở bờ bắc sông Mã, bản Ngọc, xã Cẩm Lương thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Con suối này có chiều dài khoảng 100 m. Đây cũng là địa điểm thu hút khách đổ về ngắm đàn cá có số lượng nghìn con. Cá trong suối đều là cá to nhưng không ai dám bắt. Con suối ở làng Ngọc này gắn liền với truyền thuyết về vị thần Rắn, được người dân thờ cúng tại một ngôi đền bên suối. Trước cửa đền thờ có đàn cá hàng nghìn con ngày đêm về chầu thần thế nên người dân trong vùng không bắt cá ở suối thần này. Và dân gian gọi suối này là suối cá thần.
Theo các nhà khoa học, đàn cá ở suối Cẩm Lương này là loại cá dốc, thuộc bộ cá chép và có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Hình dáng bên ngoài thì đầu của loại cá này giống cá chép, song thân lại giống cá trắm sông. Cá dốc có màu xanh thẫm, hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi thì cá phát ra những luồng ánh sáng bạc, song cũng có những con có màu sắc sặc sỡ như cam, hồng.
Trong suối cá hầu hết cá to, nặng khoảng 3,4 kg, có con nặng đến 10 kg. Con lớn nhất được gọi là cá chúa, nặng chừng 30 kg. Cá trong suối thần rất háu ăn và dạn dĩ với người. Du khách khi thăm suối cá có thể cho cá ăn các loại rau, bim bim, ngô... Tuy nhiên, chúng không đớp ngón tay người, và cũng như không cho phép khách chạm vào.
Đáng ngạc nhiên là cá chỉ bơi trong đoạn suối khoảng 100 me này. Người dân kể rằng khi có nước lũ thì cá không trôi đi. Có lũ thì những con lớn chui vào hang để trốn, những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng tự biết đường bơi trở lại.
Nói về lý do vì sao không ăn cá, bắt cá tại đây thì trong vùng có câu chuyện truyền miệng rằng đã có người qua đời khi ăn cá thần, song đã có nhóm bạn trẻ không gặp may mắn, gặp tai nạn giao thông sau khi đùa nghịch, bắt cá. Điều kỳ lạ tiếp theo là dù đàn cá rất đông nhưng nước suối luôn trong vắt, không có mùi tanh, người dân vẫn dùng cho sinh hoạt và nấu nướng. Có người cho rằng loài cá này thịt không ngon, ăn bở thịt nên người dân không ăn. Có người cho rằng cá sống lâu năm, ăn uống cỏ cây rừng có thể trong cơ thể có độc tố... Nhưng những câu chuyện thần bí truyền miệng có lẽ mới thực sự khiến cho người ta sợ và gọi những con cá này như thần nên không dám bắt, dám ăn thịt.
Suối cá thần cũng là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong các dịp lễ hội. Đặc biệt dịp tháng giêng, suối cá thu hút du khách thập phương tới lễ hội rước cá thần truyền thống của người Mường để cầu bình yên, no ấm. Trong quần thể suối cá còn có đền Ngọc thờ Tứ phủ Long Vương, phía trên có động Cây Đăng có nhiều nhũ đá.