Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn trái cây chua và rượu nếp cay?

11:53, Thứ hai 03/06/2024

( PHUNUTODAY ) - Bạn có biết lý do vì sao người Việt lại có thói quen ăn trái cây chua và rượu nếp cay để 'diệt sâu bọ' hay không?

Tết Đoan Ngọ hay còn có tên gọi là tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm.

Người Việt Nam quen gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ là một trong những nghi lễ truyền thống gắn liền với kinh nghiệm của nhân dân lao động về sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên, thời tiết… Người dân quan niệm, thời điểm này có tác động đến sức khỏe, sinh hoạt của con người cũng như hoạt động sản xuất mùa vụ trong năm.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ trong dân gian sẽ phát động công việc bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng, cầu mong mùa vụ bội thu.

Mỗi một địa phương, vùng miền khác nhau, các gia đình lại có thói quen giết sâu  bọ khác nhau, ví dụ ăn bánh tro, chè trôi nước, hạt sen... Tuy nhiên, theo dân gian xưa, thủ tục đúng nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây chua cho sâu bọ chết.

Người xưa nói, rượu nếp cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này, dân gian cho rằng ở các bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được.

Tết Đoan Ngọ của Việt Nam thực tế bắt nguồn từ một truyền thuyết. Vào một ngày nọ sau khi trúng lớn vụ mùa, nông dân mải ăn mừng không để ý nên bị sâu bọ gây hại kéo đến ăn sạch hoa màu, thực phẩm đã thu hoạch. Trong khi người dân tức giận nhưng không biết phải xử lý thế nào thì có một ông lão xuất hiện, tự xưng là Đôi Truân.

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn trái cây chua và rượu nếp cay?

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn trái cây chua và rượu nếp cay?

Ông lão này chỉ bày cách rằng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo và chỉ một lúc sau, đàn sâu bọ tự dưng té ngã rã rượi. Trước khi rời đi, lão ông dặn kỹ: "Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng".

Dân chúng gập đầu cảm tạ, nhưng khi ngẩng lên ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông lão này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", hay có người gọi nó là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Tại Việt Nam, sau Tết Nguyên Đán, "Tết giết sâu bọ" cũng là cái Tết gắn kết với đời sống của người dân nhiều nhất, là dịp để gia đình sum họp, quây quần đầm ấm.

Ngày tết Đoan Ngọ cũng là Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc... Tại từng quốc gia, lễ vật cũng cũng có sự khác biệt và đồ lễ đặc trưng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo