Tắm vòi sen hay tắm bồn đều có một số ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, việc tắm vòi hoa sen hay ngâm bồn tốt hơn cần được xét trong từng hoàn cảnh, tùy thuộc vào mục đích, ưu tiên và cả điều kiện của bạn.
Ưu, nhược điểm của việc tắm vòi sen
- Chi phí thấp: Chi phí mua sắm, lắp đặt rẻ hơn so với dùng bồn tắm. Ngoài ra, lượng nước bạn dùng cũng ít hơn rất nhiều, tiết kiệm đáng kể tiền nước. Ngoài ra, thiết kế đơn giản, nhỏ gọn của vòi sen phù hợp với mọi diện tích phòng tắm.
- Tiết kiệm thời gian: Việc tắm vòi giúp bạn chủ động hơn về thời gian. Nếu quá bận rộn, bạn chỉ cần mở van điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp và đứng dưới vòi là có thể tắm luôn.
- Phù hợp với mọi người: Người lớn tuổi hay người khuyết tật đều dễ dàng tắm dưới vòi sen, trong khi bồn tắm thì không.
- Có tác dụng massage: Các tia nước có tác dụng kích thích huyệt đạo, tăng khả năng tuần hoàn máu. Vòi sen còn có tác dụng massage da mặt rất tuyệt. Nó tác động nhẹ nhàng khiến gương mặt tươi sáng và săn chắc hơn. Việc gội đầu bằng vòi hoa sen còn tạo sự kích thích trên da đầu, giúp giảm những cơn đau đầu do stress.
Việc tắm vòi hoa sen cũng có một số nhược điểm như:
- Nhiễm mangan: TS John Spangler, Đại học Wake Forest (Mỹ) cảnh báo về nguy cơ hít phải khí mangan thoát ra từ nước khi tắm bằng vòi hoa sen ở cả trẻ em và người lớn sau khi tính toán lượng mangan con người hít phải khi tắm bằng vòi hoa sen mỗi ngày trong 10 năm. Trong đó, người lớn hấp thu lượng khí mangan nhiều hơn tới 50% do có thời gian tắm vòi sen lâu hơn.
Lượng mangan trong nước sinh hoạt đã được kiểm soát nhưng theo TS Spangler, nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, không ai dám chắc về độ an toàn, bởi chất này khi xâm nhập não có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Việc hít mangan nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc nhiễm mangan qua đường ăn uống vì nó đưa kim loại này vào não nhanh hơn, gây tác động mạnh hơn.
- Nhiễm vi khuẩn: Thiết kế nhiều lỗ nhỏ và nhiều lớp của vòi hoa sen tạo ra môi trường lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập, phát triển, đặc biệt là vi khuẩn pseudomonas aeruginosa gây viêm nhiễm vùng ngực và vi khuẩn mycobacterium avium gây bệnh phổi. Khi bạn sử dụng vòi sen, vi khuẩn được phát tán ra ngoài, lơ lửng trong không khí và dễ bị bạn hít phải.
Ưu, nhược điểm của việc tắm bồn
- Có thể cho thêm các thành phần có lợi vào nước: Bạn có thể thêm muối Epsom vào bồn tắm để giảm đau, thêm mật ong để giảm mẩn đỏ, kích ứng do bệnh chàm, giảm cháy nắng, hay thêm loại tinh dầu ưa thích để tăng mức độ thư giãn.
- Giảm căng thẳng: Việc tắm bồn thường xuyên giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi. Trạng thái nghỉ ngơi trong bồn tắm có thể làm dịu thần kinh và xoa dịu tâm trạng của bạn sau một ngày căng thẳng. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người ngâm mình trong nước ấm hàng ngày ít mệt mỏi, căng thẳng và trầm cảm hơn những người chỉ tắm bằng vòi sen. Ngoài ra, việc ngâm bồn làm tăng lưu lượng máu và khuyến khích quá trình trao đổi chất để thải độc.
- Giảm đau: Việc tắm bồn cũng làm giảm cơn đau do bệnh trĩ, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và tẩy tế bào chết.
Các nhược điểm của tắm bồn gồm:
- Tốn thời gian: Bạn cần chờ khá lâu để xả nước đầy bồn tắm và đảm bảo nhiệt độ nước thích hợp trước khi bước vào. Sau đó, bạn có xu hướng thả lỏng và thời gian sẽ trôi nhanh.
- Tốn nước và điện: Bạn cần phải đổ đầy nước trước khi bắt đầu tắm rửa. Ngoài ra nếu tắm nước nóng, lượng điện năng tiêu tốn cho mỗi lần tắm cũng nhiều hơn.
- Chi phí đắt đỏ: Bồn tắm không chỉ chiếm khá nhiều không gian, đòi hỏi căn hộ phải đủ rộng mà còn khiến bạn phải mở hầu bao nhiều hơn cho chi phí mua sắm, lắp đặt ban đầu.
- Không phải ai cũng phù hợp: Những người có vấn đề về vận động, kể cả người lớn tuổi, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào và leo ra khỏi bồn tắm.
Vậy tắm vòi hoa sen hay ngâm bồn tốt hơn? Bạn hãy xem xét những ưu, nhược điểm của từng hình thức tắm đã nêu trên và so sánh với điều kiện, nhu cầu, mục đích tắm của bản thân trong từng thời điểm để có câu trả lời nhé. Nhìn chung, nếu bạn quan tâm đến việc làm sạch cơ thể một cách triệt để thì tắm bằng vòi sen có thể là lựa chọn tốt hơn. Còn nếu muốn điều trị cơn đau mãn tính, giảm mệt mỏi hoặc đơn giản là thư giãn thì tắm bồn là lựa chọn phù hợp.
Nếu gia đình bạn có ông bà lớn tuổi hay người khuyết tật thì vòi sen sẽ phù hợp hơn.
Dưới đây là 5 thời điểm không nên tắm
Bụng đói và sau khi ăn
Sau khi ăn, cơ thể cần tập trung lưu lượng máu tới các cơ quan tiêu hóa. Lúc này, hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động mạnh để tiêu hóa thức ăn. Nếu tắm vào thời điểm này, lưu lượng máu sẽ lưu thông khắp cơ thể nhiều hơn do các mạch máu được làm nóng và giãn ra, có thể ảnh hưởng quá trình tiêu hóa thức ăn như làm chậm hoặc gián đoạn, gây khó tiêu.
Khi đói bụng, bạn cũng không nên đi tắm. Lúc này lượng đường trong máu đang ở mức thấp. Tắm có thể khiến cơ thể tiêu hao năng lượng và giảm lượng đường máu xuống thấp hơn nữa, khiến máu lên não không đủ, thiếu oxy làm bạn choáng váng, thậm chí ngất xỉu.
Tắm ngay sau khi tập thể dục
Sau khi tập thể dục, tim đập nhanh hơn để cung cấp oxy cho các cơ. Nếu tắm ngay, máu sẽ lưu thông khắp cơ thể dẫn tới tình trạng thiếu máu tim và máu não cục bộ. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, ngất xỉu, đột quỵ dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, sau khi hoạt động thể lực, cần thời gian để nghỉ ngơi chứ không nên vội vàng đi tắm ngay.
Cơ thể đang mệt mỏi
Cơ thể đang mệt mỏi sẽ khó có thể điều hòa thân nhiệt, dễ dàng bị cảm lạnh, choáng ngất hoặc đột quỵ. Tốt nhất, bạn nên nghỉ ngơi một lúc để cơ thể khỏe hơn.
Đi nắng về
Bạn có thể muốn tắm ngay sau khi đi từ ngoài trời nắng về do cơ thể đang tỏa nhiệt, toát mồ hôi và nóng bức. Lúc này, đi tắm ngay có thể khiến tắc nghẽn lỗ chân lông, mồ hôi không thoát được ra ngoài, giảm thân nhiệt và dễ cảm lạnh.
Tắm đêm
Ban đêm nhiệt độ giảm xuống, tắm vào thời điểm này, nhất là tắm bằng nước lạnh dễ khiến mạch máu bị co lại. Mạch máu khó lưu thông, dẫn đến đau đầu, đau nhức toàn thân. Nguy hiểm hơn, bạn có thể đột quỵ hoặc tai biến.