Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7: Thêm nhiều lợi ích người lao động có thể được hưởng

06:59, Chủ nhật 03/07/2022

( PHUNUTODAY ) - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, người lao động cũng có thể được hưởng thêm nhiều lợi ích.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, từ 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng theo tháng của người lao động sẽ tăng thêm 6%.

Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7/2022 thì người lao động đang được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng mới sẽ được tăng lương. Tiền lương sau khi tăng phải bằng hoặc lớn hơn lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể:

loi-ich-nguoi-lao-dong-duoc-huong-sau-khi-tang-luong-toi-thieu-vung

Lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ

Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 đều có đề cập đến việc xác định mức lương tối thiểu theo giờ, theo tháng nhưng các Nghị định quy định về mức lương tối thiểu vùng mới chỉ ấn định mức lương tối thiểu theo tháng chứ chưa quy định mức lương tối thiểu giờ.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP là Nghị định đầu tiên ghi nhận về mức lương tối thiểu giờ.

Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Mức lương tối thiểu giờ đã được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:

- Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ,

- Vùng 2 là 20.000 đồng/giờ,

- Vùng 3 là 17.500 đồng/giờ,

- Vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng tháng cho người lao động

Theo Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được căn cứ vào mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, theo điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau:

“Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

b) Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.”

Như vậy, khi mức lương tối thiểu vùng tăng lên từ 01/7/2022 thì mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang đóng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng phải được điều chỉnh theo, ít nhất phải bằng với mức lương tối thiểu vùng.

Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Cũng tương tự như đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng phụ thuộc vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, khi lương tối thiểu vùng tăng sẽ kéo theo sự điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu.

Căn cứ khoản 2 Điều 15 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau:

“Điều 15. Tiền lương tháng đóng BHTN theo quy định tại Điều 58 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

2. Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 2 Điều 6. Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.”

Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa cho người lao động

Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà người lao động có thể nhận hằng tháng sau khi nghỉ việc như sau:

“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”

Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức hưởng 05 lần mức lương tối thiểu vùng khi nhận trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo như sau:

+ Vùng I: 23.400.000 đồng;

+ Vùng II: 20.800.000 đồng;

+ Vùng III: 18.200.000 đồng;

+ Vùng IV: 16.250.000 đồng.

Điều chỉnh lại các địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng

Căn cứ Phụ lục ban hành kèm quy định về thay đổi danh mục địa bàn như sau:

- Điều chỉnh địa bàn từ Vùng 2 lên Vùng 1 đối với: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.

- Điều chỉnh địa bàn từ Vùng 3 lên Vùng 2 đối với: các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.

- Điều chỉnh địa bàn từ Vùng 4 lên Vùng 3 đối với: các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Ngoài ra, do có sự điều chỉnh lại các địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng mà nhiều nơi được tăng lương tối thiểu vùng đến 760.000 đồng/tháng, cao hơn theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 tăng thêm từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng.

Cụ thể, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, có một số thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022, đơn cử như:

- Từ vùng II lên vùng I: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Với những địa bàn này, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng (tăng 760.000 đồng/tháng).

- Từ vùng III lên vùng II: Các thị xã Quảng Yên, Đông Triều (Quảng Ninh); Thành phố Hoà Bình, huyện Lương Sơn (Hòa Bình); thành phố Vinh, thị xã Cửa lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); thị xã Hòa Thành (Tây Ninh); thành phố Vĩnh Long; thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu).

Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng (tăng 730.000 đồng/tháng).

- Từ vùng IV lên vùng III: Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh); các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai (Nghệ An); huyện Mang Thít (Vĩnh Long); huyện Hòa Bình (Bạc Liêu);...

Lương tối thiểu vùng ở những địa bàn này sẽ tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng (tăng 570.000 đồng/tháng).

Như vậy, thay vì tăng trung bình từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng thì nhiều nơi sẽ được tăng lương từ 570.000 – 760.000 đồng/tháng do có sự thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy