Theo Tuổi trẻ, Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu. Theo nội dung của dự thảo, giá cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước vẫn được tính gồm giá thế giới cộng thuế phí, quỹ bình ổn và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp...
Nếu giá cơ sở được quyền tăng vượt 5-8%, dự thảo mới cho phép doanh nghiệp sẽ chỉ phải gửi phương án điều chỉnh giá đến cơ quan chức năng trước thời điểm điều chỉnh giá hai ngày. Nếu cơ quan nhà nước không trả lời, hoặc văn bản trả lời không đúng nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu”... thì thương nhân đầu mối vẫn được quyền tăng giá 5%. Phần giá tăng từ 5-8%, thương nhân được tự tăng giá thêm 40%, còn lại sẽ dùng quỹ bình ổn xăng dầu. Nếu sau hai ngày từ khi thương nhân tự tăng giá 40% mà Bộ Tài chính chưa quyết định xả quỹ bình ổn, thương nhân được quyền tăng giá nốt phần còn lại.
Xăng dầu được phép tự điều chỉnh giá |
Nếu dự thảo nghị định này được thông qua, Petrolimex sẽ lợi đơn lợi kép, quyền lực hơn đứt EVN. EVN kêu khó khăn, kêu lỗ thì đã được tự do tăng giá 5% khi giá đầu vào thay đổi, trong khi đó, ba ông lớn Than, Dầu và Điện đã có cái bắt tay chặt chẽ khó rời, cái bắt tay đầy sự đồng cảm, thấu hiểu bài ca kêu lỗ, kêu khó để xin được tự ý tăng giá bán nhân danh nền kinh tế thị trường. Cái hay chỉ nằm ở mỗi một điểm nhỏ xíu: các ông lớn này mỗi ông độc quyền một lĩnh vực quan trọng, một mình một sân chơi mà vẫn lớn tiếng đòi sòng phẳng theo đúng luật chơi cạnh tranh tự do của nền kinh tế thị trường thì mới tuyệt cú mèo chứ! Điều này từa tựa như nhà con một mà đứa con vẫn gào lên đòi công bằng, minh bạch...được bú kiệt cả hai bầu sữa mẹ. Ờ thì đó là quyền được bú tí mẹ mà, đúng không nào thưa các quý vị không được bú khả kính?
Nhìn sang trường hợp Petrolimex, EVN có mà ghen tỵ tới nổ đom đóm mắt nhé. Petrolimex đang chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu trên cả nước, chả cần bắt tay bắt chân với ai cũng đã nắm trong tay quyền quyết định giá xăng dầu. Nỗi lo lỗ lãi của Petrolimex thường chỉ do, có mấy anh nhân viên "cắp ô", không hiểu biết gì về kinh doanh quyết định nhập xăng dầu ở thời điểm giá cao vút, bán lại cho người dân ở mức giá cao vút (nhưng không thể tăng lên do vướng Nghị định 84/2009) nên Petrolimex đành nhẫn nhịn bán cho người dân để lãi ở mức vừa vừa. Sắp tới, sẽ chẳng cần lo lắng cái lỗ lãi tầm thường kia nữa. Nhập xăng lúc nào cũng được, giá xăng thế giới cao thì Petrolimex bán giá cao hơn, an tâm lúc nào cũng lãi. Mà 5% của giá xăng hiện tại hơn 20.000 đồng/lít, nghĩa là khoảng 1.000 đồng/lít đấy nhé. Tăng như thế cũng đáng mặt tăng, EVN có mà chạy theo dài.
Mà nhé, mức tăng càng cao thì Bộ Công thương lại càng mở lượng hải hà. Dự thảo nghị định ghi rõ, nếu cần tăng giá xăng từ 5-8%, gửi công văn mà chưa được phúc đáp hay phúc đáp không thỏa đáng (người viết bài này băn khoăn không hiểu không đồng ý cho tăng có được coi là phúc đáp không thỏa đáng không) thì doanh nghiệp có quyền tự tăng 5%, phần còn lại rút từ quỹ bình ổn xăng dầu (tức là tiền người dân đóng cho doanh nghiệp tùy nghi sử dụng). Sau 2 ngày dùng quỹ mà chưa có phúc đáp thỏa đáng, doanh nghiệp tiếp tục được tăng giá. Tấm lòng nghĩ cho Petrolimex của Bộ Công thương phải nói là còn hơn cha mẹ nghĩ cho con.
Đấy, mới đây thôi Petrolimex vừa hờn dỗi giờ đã được Bộ Công thường chiều chuộng cho thêm quyền lực về giá xăng dầu. Từ trước đến nay, giá xăng dầu luôn làm người dân bức xúc. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu suốt ngày than lỗ, ấy vậy mà trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2013, Petrolimex lại lãi khủng tới mức khiến nhiều người phải sợ. Gần 900 tỷ đồng tiền lãi trong đó tiền lãi từ kinh doanh xăng dầu ước tính đạt gần 400 tỷ. Dư luận lại đặt câu hỏi vì sao Petrolimex lãi lớn thế trong khi người dân quằn quại với khủng hoảng mọi thứ đều leo thang?
Trước áp lực từ dư luận, Petrolimex đã hờn dỗi, sự hờn dỗi của một cô gái đẹp mười tám, đôi mươi. Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimnex cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi. Ông nói rằng: "Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích".
Người dân thì vui mừng cảm thấy từ nay có thể Petrolimex không muốn kinh doanh xăng dầu mà nhường cho người khác vào lĩnh vực này, tuy nhiên, Bộ Công thương đã nhanh tay yểm trợ vì lo sợ Petrolimex dỗi nên chắp thêm cánh cho doanh nghiệp. Từ nay, người dân cứ "mắt chữ a, mồm chữ o" mà nhìn xăng dầu thoải mái tăng giá nhé. Đừng có cáu tiết vì nghèo thêm một tí rồi lại hỏi xăng dầu vì sao tăng giá vèo vèo, giảm giá nhỏ giọt còn lâu nhé. Tôi (xăng dầu) đang làm đúng luật rồi đấy, tôi mới là kẻ thượng tôn phát luật đấy nhé, nghĩ mà xem....
Nếu các quý vị là dân đen nghĩ mãi mà không ra như kẻ viết bài này cũng là dân đen đang cố kiếm vài đồng bạc lẻ nhuận bút thì sao không...đăng ký hộ nghèo để được hưởng chút ưu đãi cho con nhà nghèo nhỉ? Mà đã nghèo thì xài chi xăng dầu, điện đóm cơ chứ? Cứ đèn dầu hay thắp nến, cứ đi bộ vã mồ hôi đến cửa công đệ đơn xin được là hộ nghèo thì mới hợp chuẩn nghèo và đó mới là tinh thần thượng tôn pháp luật, và chỉ khi đó thì chúng ta mới được bình đẳng với các ông lớn xăng dầu, điện đóm kia chứ nhỉ?