Tây Thi (phồn thể: 西施; bính âm: xi shi), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).
Câu chuyện về Tây Thi phổ biến trong các nước văn hóa Đông Á. Nàng đã theo kế của Phạm Lãi, từ nước Việt đến nước Ngô để mê hoặc Ngô vương là Ngô Phù Sai, giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, khiến nước Ngô hùng mạnh bị diệt vong. Câu chuyện đã trở thành huyền thoại về nhan sắc khuynh đảo, được nhắc đến nhiều trong các điển tích Trung Hoa.
Vẻ đẹp của nàng rất phổ biến rộng rãi trong thi ca cũng như dân gian, người ta thường dùng sắc đẹp của nàng để nói lên những người con gái tuyệt đẹp trong văn hóa Trung Hoa và một số nước chịu ảnh hưởng. Câu chuyện của nàng là một ví dụ điển hình cho hình tượng hồng nhan họa thủy trong thời phong kiến xưa.
Trong cuốn “Sử ký- Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia” của Tư Mã Thiên, có đề cập đến việc Phạm Lãi đã đi đâu sau khi nước Ngô bị tiêu diệt. Sau khi nước Ngô diệt vong, Phạm Lãi đổi tên thành Si Di Tử Bì (tức là da chim Si Di). Si Di là một loại chim dữ, thuộc họ chim Cú, người xưa thường dùng da của chúng để làm túi. Theo Tư Mã Thiên, nguyên nhân Phạm Lãi đổi tên như vậy là có liên quan đến Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư vốn là trọng thần của Ngô Phù Sai, nhiều lần dâng sớ phản đối Ngô Vương sủng ái Tây Thi, dung túng cho Câu Tiễn, cho nên bị Ngô Phù Sai giết chết.
Sau khi giết chết Ngũ Tử Tư, Ngô Vương dùng da chim Si Di để làm túi bọc thi thể của Ngũ Tử Tư rồi ném xuống sông. Phạm Lãi cho rằng khi giúp Câu Tiễn phục quốc, bản thân cũng đã nhiều lần dâng sớ can gián, có thể đã đắc tội với Câu Tiễn. Nay nước Ngô đã bị tiêu diệt, rất có thể Câu Tiễn sẽ thanh trừng mình giống như Ngô Vương giết chết công thần Ngũ Tử Tư. Trong cuốn sách của Tư Mã Thiên tuy nhắc đến Phạm Lãi mà không hề nhắc đến kết cục của Tây Thi. Tạo hình Ngũ Tử Tư trên phim.
Còn tác phẩm “Mạc Tử” nổi tiếng trong thời Chiến Quốc cũng chỉ viết qua loa về Tây Thi. Sách viết: Tây Thi đã bị dìm chết. Tây Thi vốn là công thần trong việc bình định nước Ngô, tại sao lại bị dìm chết? Trừ phi trước khi nước Ngô bị tiêu diệt, Ngô Vương Phù Sai đã phát hiện ra Tây Thi là gian tế của nước Việt, nên đã giết chết Tây Thi? Hoặc khi nước Ngô diệt vong, Tây Thi bị người dân nước Ngô dìm chết?
Trong cuốn “Ngô Việt Xuân Thu” đã tiết lộ hai sự thật đầy bất ngờ. Thứ nhất đó là việc Tây Thi bị giết chết, và người ép nàng phải chết không phải Ngô Vương, cũng không phải là người dân nước Ngô, mà là “Việt Vương Câu Tiễn”. Tại sao Câu Tiễn phải giết Tây Thi - người đã giúp ông ta phục quốc? Đó là bởi vì Câu Tiễn muốn dùng cái chết của Tây Thi để cúng tế “Si Di” .
Sự thật thứ hai khiến người ta phải kinh ngạc đó là: “Si Di” kì thực là để chỉ Ngũ Tử Tư - người bị Ngô Vương giết chết, bọc xác bằng túi da chim Si Di rồi ném xuống nước. Tại sao Câu Tiễn lại dùng cái chết của Tây Thi để tế lễ Ngủ Tử Tư? Việc làm này có nguyên nhân rất sâu xa.
Sau khi tiêu diệt nước Ngô, việc làm đầu tiên của Câu Tiễn là xóa hết những chuyện xấu xa của mình trước đây để xây dựng cho mình một hình tương cao đẹp. Còn Tây Thi chỉ là một quân cờ bí mật dùng để tiêu diệt nước Ngô. Đối với Câu Tiễn, sau khi nước Ngô diệt vong, quân cờ Tây Thi đã không còn tác dụng nữa, và ông ta cũng không yêu thích gì Tây Thi, hơn nữa ông ta không giống Phù Sai. Phù Sai là quân vương “yêu giang sơn nhưng lại yêu mỹ nhân hơn” còn Câu Tiễn là quân vương “yêu mỹ nhân nhưng yêu nhất là giang sơn”.
Ngoài ra, việc giết chết Tây Thi còn có một tác dụng rất lớn. Đối với người dân nước Ngô, việc Tây Thi mê hoặc Ngô Vương, khiến trung thần Ngũ Tử Tư bị giết chết chính là nguyên nhân khiến nước Ngô suy yếu. Nay nước Việt tiêu diệt nước Ngô, để làm yên lòng dân nước Ngô, cách tốt nhất là tìm một “chú cừu thế tội”, một đối tượng để người dân nước Ngô trút hận, và Tây Thi chính là đối tượng tốt nhất. Cho nên, Câu Tiễn đã giết chết Tây Thi, nhằm ám chỉ với người dân nước Ngô rằng: Câu Tiễn rất tôn trọng, thương cảm đối với bậc trung thần như Ngũ Tử Tư, còn kẻ hại nước hại dân như Tây Thi thì không có bất cứ sự lưu luyến nào. Cách làm của ông ta thật độc ác nhưng nó lại thể hiện đúng bản chất con người Câu Tiễn.