Nhà tiên tri lừng danh Vanga sinh ngày 31/1/1911, mất ngày 11/8/1996. Bà sống ẩn dật cả đời mình ở vùng làng quê hẻo lánh Kozhuth thuộc Petrich, Bungary. Năm lên 12 tuổi, bà Vanga mất đi thị lực sau khi bị cuốn bởi một cơn lốc lớn. Người ta tìm thấy cô gái nhỏ vẫn còn thoi thóp hơi thở nằm vùi lấp giữa bụi và đá, hai hốc mắt chứa đầy cát.
Vanga làm bạn với bóng tối từ đó và đưa ra lời tiên tri đầu tiên vào năm bà 16 tuổi để tìm lại bầy cừu bị mất trộm bằng cách mô tả chính xác về cái sân nơi bọn trộm cất giấu đàn gia súc.
Tuy nhiên, khả năng tiên tri của Vanga chỉ thực sự đạt đến độ chín năm 30 tuổi. Nhiều người tìm đến bà để xin những lời tiên tri. Trong đó có cả trùm phát xít Adolf Hitler. Hắn từng ghé thăm nhà Vanga và rời đi với gương mặt nặng trĩu. Khả năng phi thường của bà Vanga liên quan đến sự hiện diện của những sinh vật vô hình không rõ nguồn gốc cho bà thông tin về con người - từ khi họ sinh ra đến lúc họ chết đi.
Ở thời của bà Vanga, những hoạt động sử dụng năng lượng hóa thạch chưa bùng nổ như hiện nay nhưng bà đã có những dự đoán “đáng lo ngại” về môi trường Trái đất mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt.
Năm 2033: Nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Hậu quả khôn lường của việc nóng lên toàn cầu này chính là băng tan ồ ạt gây nên thực trạng nước biển dâng, xâm lấm vào đất liền, lũ lụt sẽ hoành hành khắp nơi trên thế giới. Nhiều người sẽ mất nhà cửa. Thiên tai sẽ khiến con người sống trong cảnh khốn khó.
Năm 2170: Hạn hán xảy ra trên quy mô toàn cầu, mất mùa liên miên dẫn đến thiếu lương thực trầm trọng.
Năm 2201: Nhiệt độ sẽ giảm đột ngột khi phản ứng nhiệt hạch của Mặt trời chậm dần.
Năm 3797: Sự sống trên hành tinh xanh sẽ lụi tàn. Không một sinh vật nào còn tồn tại trên Trái đất.
Những lời tiên tri của bà Vanga sắp thành sự thật
Trên thực tế, những tiên đoán của bà lão mù này giờ không còn là viễn cảnh quá xa vời. Bởi hàng năm chúng ta đang phải hứng chịu nhiều “cơn tức giận của Mẹ Thiên nhiên”. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn biến ngày càng phức tạp, liên tục cướp đi mạng sống của rất nhiều người dân ở khắp nơi trên thế giới.
Điển hình là trận lũ lụt Sindh năm 2011 tại Pakistan đã khiến 434 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến 5,3 triệu người và tàn phá 1.524.773 căn nhà. Đợt siêu El Nino năm 2015, với nền nhiệt đạt đến mức kỷ lục là 45 đến 49 độ C, hàng nghìn người Ấn Độ và Pakistan đã chết vì nắng nóng.
Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định, đã đến lúc chúng ta thôi “đổ tội” cho thiên nhiên, chính con người đã và đang góp phần vào việc gây nên biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu.
Dân số thế giới ngày càng tăng, nhu cầu năng lượng, nhà ở, đất đai sinh hoạt của hàng tỷ con người cũng theo đó tăng lên và đang trở thành gánh nặng của Trái đất.
Việc khai thác tài nguyên bừa bãi, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giết hại động vật làm mất cân bằng sinh thái của con người đang khiến thiên nhiên quá tải. Hệ quả là, chính chúng ta chứ không ai khác đang phải chịu những hậu quả từ chính việc chúng ta làm.
Bài viết tựa đề “Trái Đất sẽ kết thúc như thế nào?” của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu các hiểm họa đe dọa sự sống (CESR) của trường Đại học Cambridge (Anh) nhận định, biến đổi khí hậu là một trong những hiểm họa âm thầm đe dọa sự sống trên quy mô toàn cầu.
Được đánh giá mức độ nguy hiểm sánh ngang thiên thạch lao vào Trái Đất và thảm họa vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu có thể không “giết người” trong nháy mắt nhưng xét trên quy mô toàn cầu, nó có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai hay gia đình nào, ở bất cứ đâu.
Các nhà khoa học cũng lo ngại hơn bao giờ hết, họ vẫn hàng ngày đưa ra những dự đoán về thảm họa môi trường trên Trái đất để tìm cách ứng phó, giảm thiểu hậu quả thảm khốc về người và của.
Chúng ta không mê tín khi nhìn vào những tiên liệu của Baba Vanga. Cái chúng ta nhìn nhận ở đây chính là cách con người đối mặt với hiện trạng mà mình đang gặp phải ngày nay.
Số phận của chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào hành động của chính chúng ta! Do đó mỗi cá nhân hãy hành động và tạo cho mình thói quen “yêu lấy Trái đất”, “trân trọng hành tinh xanh”.