Tháng cô hồn nghĩa là gì? Vì sao tháng 7 âm lịch lại có tên là tháng cô hồn?

07:31, Thứ sáu 19/07/2024

( PHUNUTODAY ) - Tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn và có muôn vàn giả thuyết xoay quanh tháng này.

Trong dân gian tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn hay còn gọi là tháng Diêm Vương mở cửa mả, tháng xá tội vong nhân. Tháng cô hồn là tháng mà người ta cho rằng rất nhiều cô hồn lang thang ở trần gian. Đặc biệt ngày rằm tháng 7 tục lệ cúng cô hồn được phổ biến trong dân gian. Những năm gần đây thì nhiều nơi cúng rải rác từ ngày 1 đến rằm. 

tháng 7 âm lịch gắn liền với niềm tin cô hồn ngạ quỷ lang thang

tháng 7 âm lịch gắn liền với niềm tin cô hồn ngạ quỷ lang thang

Trong cuốn sách Tục thờ cúng của người Việt, tác giả Bùi Xuân Mỹ cho rằng: "Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào ngày Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ".

Còn thông tin trên tờ China Highlights, tháng 7 âm lịch là thời điểm mà quỷ môn quan được mở rộng cho phép hồn quay về cõi dương. Dân gian Trung Quốc cho rằng rằm tháng 7 âm lịch là ngày sinh nhật của Địa Quan đại đế nên cửa ngục được mở để ma quỷ, vong hồn về trần gian. 

Nhiều người lại lý giải về tháng 7 âm theo lý học phương Đông rằng, tháng 7 Âm lịch là tháng thứ chín, tính từ tháng Một Việt lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu và Bảy). Tính theo chu kỳ cửu cung thì tháng 7 sẽ nhập trung cung Hà Đồ, tương ứng với độ số 10 của Thiên Can Quý thuộc thủy. Tháng này có Thiên can là Âm Thủy và thiên can Quý đang quản trung cung. Do đó, theo Lý học Việt, tháng này âm khí rất vượng.

Dù theo góc nhìn nào thì tháng 7 âm lịch đều được cho là tháng âm khí mạnh, cô hồn ngạ quỷ lang thang nhiều.  Cũng chính vì quan niệm đó mà người ta cho rằng tháng 7 âm là tháng đáng sợ nhất năm, nhất là với người làm ăn. 

Dân gian cũng thường gọi ngày rằm tháng 7 là ngày xã tội vong nhân. Người ta bày cỗ cúng chúng sinh ngoài trời, rìa đường, nơi đất hoang, để cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc.

Dân gian cho rằng vì được mở cửa mả nên tháng 7 cô hồn đi khắp nơi, quấy phá người sống gây ra nhiều tai ách. Vì vậy, ngoài các cỗ cúng, lễ cúng ở các gia tự, người ta còn bày cỗ cúng cho các cô hồn tại cầu, quán, đình, chùa và gọi là cúng cháo.

Trong đồ cúng nổi bật khác với cúng thông thường là cháo loãng vì cho rằng cô hồn nghiệp nặng thì cuống họng nhỏ khó ăn khó nuốt chỉ có thể nuốt cháo. Câu chuyện này cũng được cho là có thể bắt nguồn từ chuyện Mục Kiền Liền cứu mẹ. Thế nên tháng 7 Âm lịch cũng lại là tháng thể hiện hiếu hạnh của con cái với cha mẹ. 

Đồ cúng tháng cô hồn

Đồ cúng tháng cô hồn

Tháng 7 tục cúng cô hồn có phải nguồn gốc từ Trung Quốc không?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu khẳng định, nguồn gốc của tháng cô hồn không hẳn là bắt nguồn từ Trung Quốc. Các nền văn hóa ở khác như Ấn Độ, Campuchia hay Nhật Bản đều có chung niềm tin về tháng 7 âm lịch là tháng liên quan tới cô hồn cõi âm, và những truyền thống này có thể xuất hiện trước cả đạo Phật.

Trong dân gian cũng có truyền thuyết rằng vua Yama (người cai trị địa ngục) mở cổng địa ngục và cho phép một số hồn ma đến hưởng lễ cúng tế ở trần thế. Trong tiếng anh tháng cô hồn gọi là  Ghost Month (Tháng ma quỷ).

Tờ YahooLife giải nghĩa, tháng cô hồn là sự kết hợp văn hóa từ Đạo giáo và Phật giáo. Tùy theo vùng miền, tín ngưỡng khác nhau mà người dân mỗi nơi có cách cúng cô hồn khác nhau. 

Nếu Đạo giáo tập trung vào việc xoa dịu các linh hồn lang thang thì với văn hóa Phật giáo, người dân nghiêng về bày tỏ lòng hiếu thảo và tưởng nhớ tổ tiên cha mẹ.

Theo đó thì phía Bắc Việt Nam, rằm tháng 7 nhấn mạnh về xá tội vong nhân trong khi miền Trung và niềm Nam nhấn mạnh vào lễ Vu Lan báo hiếu. Gần đây những người theo Phật ở phía Bắc cũng đã nhấn mạnh tới mùa Vu Lan hiếu hạnh. 

Có nhiều cách lý giải về tập tục trong tháng 7 âm lịch. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những quan niệm ấy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đề cao tấm lòng báo hiếu và làm phúc và sống thiện lương, hiểu về nhân duyên nghiệp quả để sống tốt hơn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên