Trên mỗi thẻ bảo hiểm y tế thường có thông tin về đăng ký địa chỉ khám chữa bệnh ban đầu. Khi khám chữa bệnh tại đúng điểm đó thì được gọi là đúng tuyến, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế trên thẻ. Còn nếu tới khám tại cơ sở không tương đương với tuyến đăng ký ban đầu thì sẽ gọi là không đúng tuyến, quyền lợi sẽ giảm.
Nhiều người đăng ký cơ sở khám ban đầu tại bệnh viện trên địa bàn A nhưng sau đó vì lý do gì đó phải chuyển địa bàn sinh sống sang địa bàn B. Đặc biệt khi địa bàn B và A xa nhau thì chuyện khám bảo hiểm y tế sẽ thế nào?
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì người dân có thể sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế đã được cấp để đi khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn B, tuy nhiên mức hưởng sẽ không giống nhau, tùy thuộc vào thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.
- Trường hợp cấp cứu: Người dân phải cấp cứu thì vào bất cứ cơ sở y tế tuyến nào, địa bàn nào đều được, miễn là xuất trình đầy đủ thủ tục trước khi ra viện thì sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như khi đi khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu.
-Trường hợp không phải cấp cứu, người dân khám chữa bệnh không đúng tuyến và thực hiện đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế sẽ được hưởng:
+Đối với bệnh viện tuyến huyện:100% chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT (bao gồm cả khám ngoại trú và điều trị nội trú);
+Đối với bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT nếu được chỉ định điều trị nội trú, trường hợp chỉ khám ngoại trú thì không được thanh toán chi phí theo chế độ BHYT;
+Đối với bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT nếu được chỉ định điều trị nội trú, trường hợp chỉ khám ngoại trú thì không được thanh toán chi phí theo chế độ BHYT.
Nếu người dân đăng ký tạm trú tại địa bàn mới thì có thể đến các bệnh viện có tuyến tương đương với nơi đăng ký ban đầu trên thẻ BHYT và vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi như khi đi khám, chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký ban đầu nếu xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh kèm thêm giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.
Hoặc người dân có thể làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký Bảo hiểm y tế ban đầu để thuận tiện hơn. Theo đó vào những ngày đầu của quý người dân mang Bảo hiểm y tế đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ (cơ quan bảo hiểm xã hội ban đầu) để được hướng dẫn thủ tục thay đổi nơi đăng ký ban đầu trên thẻ về tại địa bàn mới và được cung cấp danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện tiếp nhận đăng ký khám, chữa bệnh ban mới, rồi người dân chọn lại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho phù hợp với tình hình chuyển nơi ở.