Thay thế vắc xin gây chết trẻ: Chờ WHO điều tra

( PHUNUTODAY ) - Bộ Y tế đã quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, tuy nhiên trách nhiệm của Bộ trong việc này vẫn chưa được đề cập tới.

Bộ Y tế đã quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, tuy nhiên trách nhiệm của Bộ trong việc này vẫn chưa được đề cập tới.
[links()]
Trao đổi với báo chí bên lề một hội nghị tại Hà Nội chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, từ đầu năm 2013 đến nay cả nước có 5 trường hợp tử vong sau tiêm chủng, 4/5 trường hợp có kết luận không liên quan đến vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, có thể các cháu tử vong do nhiễm trùng huyết, chưa rõ nguyên nhân.

“Vừa rồi chúng tôi đạt được mong muốn đề nghị WHO chính thức điều tra tất cả các trường hợp có liên quan đến vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Vì vậy, Bộ Y tế quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin này để chờ kết quả điều tra chính thức của các cơ quan quốc tế”, Thứ trưởng Long cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: DT.

Trong thời gian tạm dừng chờ đợi kết quả của WHO, theo Thứ trưởng Long, có khoảng thời gian giãn cách vài tháng sau khi tạm dừng nhưng sẽ không có vấn đề gì lớn trong việc tạo miễn dịch cho những trẻ đã tiêm mũi một. “Sau này, có thể sẽ tìm các loại vắc xin khác thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, hoặc vẫn sử dụng vắc xin Quinvaxem nếu như các nhà khoa học vẫn chứng minh được rằng nó vẫn đảm bảo chất lượng”, ông Long khẳng định.

Ông Long cũng không loại trừ khả năng có thể sử dụng các loại vắc xin trong nước sản xuất, rồi phương án trình chính phủ cho phép nhập vắc xin vô bào (loại này đang được các cơ sở dịch vụ tiêm cho người dân), hoặc có thể thay bằng các loại vắc xin phòng 3 hoặc 2 bệnh trong một mũi tiêm như đã từng làm trước đây…

Nếu dùng vắc xin vô bào cho tiêm chủng mở rộng chi phí sẽ rất lớn, khi giá thành hiện nay khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn một mũi tiêm, vấn đề này ông Long cho hay: “Đấy là một bài toán rất khó với đất nước chúng ta, nếu nhập vắc xin có thành phần vô bào thì mỗi năm chương trình tiêm chủng mở rộng phải bỏ ra khoảng 700-800 tỷ đồng. Phải chờ kết quả của WHO mới có thể khẳng định được rằng có thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem không và và thay thế như thế nào”.

Khi các tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp trẻ gặp tai biến sau tiêm chủng, một số trường hợp tử vong, dù Bộ Y tế vẫn một mực khẳng định chưa có bằng chứng khẳng định nguyên nhân các ca tử vong liên quan tới vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Tuy nhiên, từ nhiều tháng trước các chuyên gia y tế và tiêm chủng đã có khuyến nghị Bộ Y tế nên có động thái tạm dừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem để kiểm tra chất lượng, tìm nguyên các ca tử vong. Đặc biệt, nên thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng vắc xin độc lập…

Tuy nhiên, phải nửa năm sau khi xuất hiện những ca tai biến nặng, trẻ tử vong xảy ra ở Nghệ An hồi tháng 12/2012, và các tháng đầu năm 2013, hầu như tháng nào cũng có tin trẻ tử vong, cấp cứu sau tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, với số lượng hàng chục trẻ, tới nay Bộ Y tế mới có hành động dứt khoát là tạm dừng để kiểm tra chất lượng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.

Vắc xin Quinvaxem là nguồn viện trợ của Liên minh vắc xin toàn cầu (GAVI), viện trợ 37 triệu USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2010-2015.

Thậm chí, tờ NLĐ còn trích ý kiến chuyên gia y tế thẳng thắn mà rằng, việc ngừng tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem cũng rất khó khăn vì có thể  làm “vỡ” hệ thống tiêm chủng mở rộng đã ổn định. Còn việc từ chối nhận viện trợ bằng vắc xin này thì trong tương lai có thể sẽ khó khăn trong việc tiếp tục nhận nguồn viện trợ từ tổ chức này. Vì dự kiến, thời gian tới có thể GAVI sẽ viện trợ Việt Nam vắc xin ngừa bệnh Rubella và tiêu chảy do Rotavirus…

Dù sao, việc ngừng tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem cũng đã được đưa ra, tùy có muộn, nhưng vẫn hơn không, khi sức khỏe, và tính mạng của trẻ em Việt Nam bị đe dọa. Một vấn đề đặt ra bây giờ là trách nhiệm của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan thế nào trong câu chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ.

  • Phạm Thanh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn