Theo phong tục của người Việt Nam thì vào các ngày lễ, Tết, các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng cỗ gồm các món ăn truyền thống, lọ hoa và không thể thiếu các loại quả. Ngoài những quả quen thuộc như chuối, táo, cam, thanh long, xoài… thì quả phật thủ là một loại quả đặc biệt từ hình dáng cho tới ý nghĩa. Nó được xem là một vật phẩm mà mọi người muốn dâng tới các vị thần linh tối cao để mong cầu tài lộc, may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nguồn gốc của phật thủ
Theo nghiên cứu, cây phật thủ được những người theo Đạo Phật mang từ Ấn Độ sang Trung Quốc và sau đó du nhập vào Việt Nam. Loại cây cho ra thứ quả kì lạ này trước đây chỉ trồng được ở những vùng núi cao như Tuyên Quang, Yên Bái nhưng bây giờ còn trồng nhiều nơi khác, đặc biệt có nhiều ở xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội).
Trái phật thủ có nhiều kích cỡ, khi chín vỏ vàng, sần sùi, có mùi thơm. Thế nhưng điều kì diệu nhất ở nó chính là những “ngón tay” nhỏ dài khiến người ta liên tưởng tới bàn tay của Đức Phật. Ngoài để thắp hương mâm cúng thì quả phật thủ còn có thể dùng làm thuốc, làm mứt, làm nến…
Hiện nay, đã xuất hiện không ít nơi bán cây phật thủ cảnh (phật thủ bonsai) rất quý. Theo phong thủy, khi để cây này trong nhà sẽ giúp gia chủ đón khách, thu hút may mắn, mang lại thịnh vượng, tài lộc không ngừng.
Mẹo bảo quản phật thủ
Phật thủ muốn trưng được lâu, giữ được màu đẹp thì cứ khoảng 5-7 ngày người ta lại dùng rượu trắng để lau bụi bẩn bám trên quả. Cẩn thận hơn thì đặt lên bàn thờ, bạn có thể để một bát nước, cho thêm vài viên thuốc B1 vào, sau đó đặt cành phật thủ vào bát nước. Chỉ bằng cách đơn giản như thế này, chúng ta sẽ trưng bày được quả này trên bàn thờ gia tiên từ 4-7 tháng.
Hoặc cho cuống phật thủ vào ly có nước dâng cúng, sau 15-30 ngày cuống cây sẽ ra rễ, bộ rễ này có tác dụng hút nước nuôi quả. Nếu bảo quản chuẩn theo những cách trên, bạn có thể giữ quả Phật thủ từ 4 đến 5 tháng.