Ngày 13/2, tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, em Phạm Thị Phương (tên nạn nhân đã được thay đổi) được Công an Trung Quốc trao trả cho CBCS Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn và Đồn Biên phòng Tân Thanh. Nhìn thấy các chiến sĩ Công an Việt Nam, Phương khóc nức nở, không tin nổi mình đã được về nhà.
[links()]
Nhìn dáng người tiều tụy, mệt mỏi của Phương, các trinh sát, điều tra viên cũng không khỏi thương cảm, bởi cô gái xinh đẹp, trẻ trung mới chưa đầy 19 tuổi đã phải sớm bôn ba nơi xứ người.
1. Phương vốn sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Ngọc Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Bố mất sớm, mẹ lên biên giới buôn bán rồi đi đâu không rõ. Chính vì vậy, từ bé, cô ở cùng với người anh trai sinh năm 1987 và người chị gái là Phạm Ngọc Lệ, hơn cô 14 tuổi. Lúc Phương lên 9 thì chị Lệ đi lấy chồng.
Không còn người chăm sóc, Phương theo chị về nhà chồng. Cuộc sống ở vùng sơn cước của huyện Hiệp Hòa đã chẳng dễ dàng gì bởi cả hai chị em đều không có nghề nghiệp, chỉ quanh quẩn vào mấy sào ruộng bố mẹ để lại, nên khi Lệ lấy chồng, chỉ gửi được đứa em trai cho họ hàng, còn Phương bé quá nên phải đưa về ở cùng.
Việc đưa em gái về nhà chồng đã gây không ít khó khăn cho Lệ. Biết phận mình nên dù còn ít tuổi, Phương khá ngoan ngoãn và chăm làm, hằng ngày ngoài buổi đến lớp, Phương làm hết các công việc nhà để chị chuyên tâm vào đồng ruộng.
Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận nạn nhân Phương từ CA nước bạn |
Khi Lệ sinh con đầu lòng, cũng chính Phương là người giúp đỡ, chăm bẵm.
Chồng Lệ, thấy em vợ ngoan ngoãn cũng không nề hà nhưng gia đình anh ta thì khác, mọi người cảm thấy không thoải mái khi con dâu đã nghèo lại còn mang thêm em gái về nuôi. Chính vì vậy, chỉ ở cùng với chị gái được một thời gian, Phương về nhà sống cùng anh trai nương nhờ nội ngoại và họ hàng, chòm xóm.
Cuộc sống khó khăn khiến cô sớm tự biết lo cho mình, hằng ngày, ngoài ruộng vườn, cô biết chợ búa, buôn bán lặt vặt kiếm tiền.
Cuộc sống nghèo, lam lũ nhưng cũng không ngăn được vẻ đẹp của cô thôn nữ đến tuổi dậy thì. Dù chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng khá nhiều chàng trai quanh vùng đã đến tìm hiểu, mong có được Phương làm vợ.
Do sớm biết tảo tần nên Phương không muốn lấy chồng sớm, quyết tâm kiếm nghề nghiệp ổn định rồi mới nghĩ đến chuyện gia đình.
Tháng 10/2011, qua giới thiệu của người quen, Phương đến khu Công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh xin làm thuê. Thiếu nữ từ quê mới ra đô thị lần đầu nên Phương còn nhiều bỡ ngỡ. Dù vậy, do đã quen lao động từ bé nên cô hoàn thành công việc khá tốt.
Sau 2 tháng thử việc với mức lương khá thấp (hơn 1 triệu/tháng), bắt đầu từ giữa tháng 12/2011, Phương được nhận làm chính thức, lương 3 triệu/tháng. Số tiền đó dù phải trang trải nhiều chi phí sinh hoạt, nhưng đó vẫn là số tiền lớn đối với thiếu nữ nghèo như cô.
Ngày 31/12, nhân dịp được nghỉ Tết Dương lịch nên Phương định về quê. Tuy nhiên, có một sự kiện khiến cuộc đời Phương thay đổi hoàn toàn.
Chiều hôm đó, đang định về phòng trọ để lấy hành lý về quê, thì Phương gặp một người phụ nữ khoảng 60 tuổi trông dáng quê mùa đang lếch thếch trên đường. Trông bộ dạng người phụ nữ đáng thương, nên khi bà ta hỏi chuyện, Phương không ngần ngại trả lời. Bà ta giới thiệu tên là Minh, ở Hà Nội, lên Bắc Ninh chơi nhưng hết tiền không về được.
Nghe nói thế, Phương móc ví định giúp đỡ người phụ nữ này ít tiền để bà về Hà Nội, nhưng khi Phương vừa rút tiền ra thì bà ta gạt đi và kể lể rằng mình đang bị bệnh nặng, sợ đi một mình về nhà không an toàn nên nhờ Phương đưa về.
Đang muốn về quê thăm chị gái, anh trai, nhưng khi thấy người phụ nữ đáng thương như vậy, Phương thương cảm quyết định dừng việc về quê để đưa người phụ nữ mới quen về Hà Nội.
Thế là, bao nhiêu tiền dành dụm được, cô đem theo người rồi cùng người phụ nữ tên Minh đón xe buýt về Hà Nội. Lần đầu tiên đi qua nhiều tuyến phố sầm uất, hàng hóa bắt mắt của Thủ đô, Phương thấy lạ lẫm vô cùng. Cũng chính vì cái “sự lạ” đó, Phương không nhớ nổi cô đã đi qua những đâu, đến phố nào.
Đưa bà Minh về đến nhà, cũng là lúc trời sập tối. Thiếu nữ từ quê ra như Phương chả biết đường nào nên khi người phụ nữ này đề nghị ngủ lại, Phương đành đồng ý.
Với lại, trong suy nghĩ của cô, không có chỗ cho sự cảnh giác, không biết đến lừa lọc, lại thấy bà Minh sống một mình, đáng thương nên Phương đồng ý ngủ lại.
Đêm hôm đó, bà Minh kể cho Phương nghe về hoàn cảnh của mình. Theo lời bà Minh thì bà ta là người rất đáng thương, chồng bỏ từ lâu nên sống cô độc một mình.
Đặc biệt, người phụ nữ này khoe rằng mình có nhiều người quen trên Lạng Sơn, sắp Tết nên rất cần nhân viên vác hàng thuê, sẽ trả công cao 300 đến 400 nghìn/ngày.
Mức lương 3 triệu, làm 10 tiếng một ngày đã khiến thiếu nữ vùng cao “hoa mắt”, nên mức tiền công bà Minh đưa ra làm Phương choáng váng hơn. Chính vì vậy, khi bà Minh đặt vấn đề sẽ “giúp” Phương lên biên giới xách hàng thuê, Phương đồng ý ngay.
Sáng hôm sau, mặc dù là mồng 1 Tết Dương lịch, mọi người ai cũng về quê sum họp gia đình, nhưng lời hứa thu nhập cao đã khiến Phương quên đi tất cả. Cô tự nhủ lòng mình sẽ đi làm 1 tháng Tết, kiếm hơn chục triệu rồi về quê giúp chị đỡ khó khăn. Điều đó làm Phương thêm quyết tâm lên biên giới.
2. Mới hơn 5h sáng, mặc dù trời rét buốt, nhưng Phương và bà Minh đã rời nhà đón xe đi Lạng Sơn. Cô gái trẻ thiếu kinh nghiệm như Phương không thể ngờ, mình đã rơi vào bẫy của bọn buôn người. Khi hai người lên đến Đồng Đăng, Lạng Sơn thì trời đã sang chiều.
Ăn tạm ít bánh mỳ của người bán rong, bà Minh nói với Phương phải đến ngay điểm bốc hàng ở sát biên giới để làm đêm vì sợ ban ngày Công an phát hiện.
Tưởng thật, Phương tin ngay. Do lần đầu tiên đến vùng đất này nên Phương không biết mình đang được đưa đi đâu, ở Việt Nam hay Trung Quốc.
Đến gần tối, cảnh rừng núi dường như biến mất, đô thị phố xá lại xuất hiện khiến Phương ngỡ ngàng, nhất là khi thấy toàn những người lạ nói xì xào với nhau, Phương không hiểu chuyện gì.
Đoán đã sang đến Trung Quốc, Phương hỏi bà Minh, bà ta trấn an rằng phải sang tận Trung Quốc mới có hàng.
Cứ thế, khi Phương thấy hết điều lạ này đến điều lạ khác, đều được bà Minh “giải thích” cặn kẽ. Lúc sau, có một người đàn ông đi ô tô đến, bà Minh bảo Phương lên xe đi “bốc hàng”. Không biết cạm bẫy đang chờ mình, Phương ngoan ngoãn lên xe, còn bà Minh kia ở lại.
Mất 1 ngày ròng rã trên ô tô, Phương được đưa đến một gia đình gồm 5 người. Một nghi lễ lạ lùng diễn ra ngay sau đó, rồi Phương được 1 người trong số họ đưa vào phòng tân hôn làm lễ “động phòng”. Đến lúc đó, Phương mới biết mình bị bán.
Vì gia đình có tới 5 người con trai, nên mặc dù chỉ làm lễ cưới 1 với một người, nhưng Phương phải lần lượt “làm vợ” cho cả 5 người.
Cay đắng, tủi nhục không biết kể với ai, cũng không biết phải liên lạc thế nào khiến Phương ngày càng héo mòn, không ăn uống được. Thấy Phương như vậy, gia đình “chồng” thương tình đưa cô ra chợ nhờ người Việt Nam hỏi xem như thế nào.
Thấy có người cùng quê, Phương khóc nức nở kể chuyện của mình. Người kia thương tình hướng dẫn cho Phương lúc nào thấy gia đình chồng sơ hở thì trốn ra ngoài, họ sẽ đưa giúp đỡ.
Đúng theo hướng dẫn, ngày 20/1, sau 20 ngày bôn ba nơi đất khách, Phương trốn được gia đình chồng, chạy ra chợ cầu cứu. Được người tốt bụng thương tình đã cho gọi điện về Việt Nam.
Nghe tiếng chị gái bên kia đầu dây, Phương òa khóc, không nói nên lời, mãi sau cô mới bảo được rằng mình đang ở bên Trung Quốc, không biết nơi đâu. Lập tức, Lệ đã đến Công an Lạng Sơn trình báo.
Theo số điện thoại, các trinh sát, điều tra viên đã xác định Phương đang ở huyện Khánh Viên, TP Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang nên đã có công văn trao đổi với Tổng đội Cảnh sát Hình sự, ty Công an tỉnh đề nghị họ giúp đỡ, liên hệ với Công an huyện Khánh Viên.
Sau hơn 10 ngày liên hệ, trao đổi, Công an huyện Khánh Viên đã giải cứu thành công Phạm Thị Phương, đưa cô về biên giới.
Gặp lại chị, Phương nức nở, cô không ngờ, sự dại dột của mình phải trả giá đắt như thế. Cô bảo, ước nguyện lớn nhất là không còn cô gái nào cả tin, dại dột như mình nữa. Bởi cô hiểu, cái giá của việc bán sang bên kia biên giới lớn đến dường nào.
- Hoàng Sơn