Sáng 12-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” diễn ra tại tỉnh Bắc Giang. Chương trình gặp gỡ, đối thoại có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi với Thủ tướng, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (sinh năm 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng 20 năm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân 40-45 tuổi.
"Chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì về già không có lương hưu, nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút", chị nói. Chị đề nghị Chính phủ sớm sửa luật, bảo đảm quyền lợi của công nhân, hạn chế rút BHXH một lần.
Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết cả nước có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp. Nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây là thành tích đáng nể của nước ta.
Tình trạng người dân rút BHXH một lần thời gian qua là không tốt, gây hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh. Ông cho rằng trước hết phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân và để hạn chế rút BHXH một lần thì cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động hưởng lương hưu.
"Dự thảo sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được", ông Dung nói, dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Luật sửa đổi cũng sẽ tạo cơ chế để khuyến khích lao động tham gia BHXH dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%. Chúng ta sẽ tiếp tới áp dụng thông lệ này.
Đồng thời, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.
Về quá trình xây dựng luật Bảo hiểm xã hội có những điều chưa theo kịp thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói mọi chính sách không thể bao hết các khía cạnh của cuộc sống. Song với tinh thần tiếp thu ý kiến, Chính phủ đã nghiên cứu, trình Thường vụ Quốc hội đưa dự luật sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để giải quyết được bài toán mà thực tiễn đặt ra, những điểm luật pháp chưa sát thực tế.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.
Vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế. Đồng thời, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần.