Tạo danh mục chi tiêu rõ ràng
Việc này vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần ngồi vào bàn và vạch ra một danh sách các khoản cần chi tiêu trong tháng tới, từ đó, loại bỏ đi những khoản chi tiêu chưa hợp lý để tiết kiệm hơn.
Bên cạnh đó, trong danh mục các khoản chi tiêu thiết yếu, bạn cần lưu ý thêm về thời hạn thanh toán của hoá đơn điện nước và các khoản nợ tiêu dùng, nhằm tránh cảnh mất điện, mất nước hay "mất tiền oan" vì lãi phạt trả chậm của các khoản vay. Để tiện lợi hơn, bạn có thể dùng các ứng dụng ngay trên điện thoại di động để theo dõi và thanh toán.
Thanh toán không tiền mặt
Nhiều người khi nghe đến đây thì sẽ nghĩ rằng phương pháp này không liên quan gì đến tài chính thông minh, vì dù trả bằng tiền mặt hay không thì vẫn phải thanh toán một khoản tiền không đổi. Nhưng thực tế, việc tạo thói quen thanh toán không tiền mặt sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý nguồn tiền của mình... đến từng đồng lẻ.
Không còn cảnh bị mất tiền vì trộm cắp hay tiền lẻ rơi vãi khắp nhà, tất cả tiền luôn nằm trong một tài khoản số mà bạn dễ dàng theo dõi. Ngoài ra, thay vì nhận "tiền thừa" kiểu… một bọc đường hay vài viên kẹo theo cách mà các cửa hàng tự mặc định, bạn sẽ thanh toán đúng số tiền một nhanh chóng, hiện đại với hình thức thanh toán không tiền mặt qua các ví điện tử hay thẻ ngân hàng.
Quản lý rủi ro nhờ bảo hiểm
Tạm quên những định kiến cho rằng bảo hiểm chỉ cần cho những trường hợp rủi ro, mất mát lớn trong cuộc sống. Bạn có thể quản lý rủi ro tài chính một cách dễ dàng từ các gói bảo hiểm nhỏ nhưng thiết thực như Bảo hiểm rơi vỡ màn hình điện thoại, Bảo hiểm xe máy… Với mức giá chưa bằng một ly trà sữa và có thể mua qua những ứng dụng thông minh ngay trên điện thoại di động, những gói bảo hiểm này sẽ "gánh bớt" hàng triệu đồng tổn thất cho bạn trong các sự cố thường nhật.
Giảm tiêu hoang phí, cà thẻ thông minh
Bài học xài tiền đầu tiên mà hội chị em và cả cánh mày râu cần thông thạo là kiểm soát các chi phí hàng tháng. Cắt giảm các khoản chi không cần thiết là việc rất quan trọng. Nhưng nói dễ hơn làm rất nhiều...
Trước hết, bạn cần có danh sách các hạng mục cần chi tiêu trong tháng rồi sắp xếp thứ tự cần và không cần. Khi xây dựng được cho bản thân quỹ chi tiêu cố định, biết cách làm bản thân bận rộn một cách hữu ích và ra quyết định chậm nhưng chắc..., bạn sẽ thấy việc cân đối tài chính chẳng phải bài toán khó giải!
Các chuyên gia tài chính cũng mách nhỏ mẹo chi tiêu thông minh là tận dụng các công cụ tài chính giúp tiết kiệm. Bạn có thể cà thẻ tín dụng để được trả góp 0% lãi suất với những món đồ có giá trị cao hay để được miễn lãi trong 45-55 ngày... Tuy nhiên, bạn cũng cần là người cà thẻ thông minh và "cứng rắn" để không có những cú vung tay quá đà.
Đặt hạn mức cho từng khoản chi tiêu
Nguyên tắc 5-3-2 trong chi tiêu được rất nhiều người áp dụng và hầu hết đều hài lòng với tỷ lệ này. Nghe qua thì tưởng "cao sang" nhưng thực ra nguyên tắc này rất đơn giản.
Nếu bạn kiếm được 10 đồng, hãy chi 5 đồng cho các khoản cơ bản và nhu cầu thiết yếu. Ba đồng tiếp theo là dành cho đam mê, sở thích của bạn và 2 đồng còn lại để trả nợ, đầu tư...
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bạn nên linh hoạt cân đối lại hạn mức này. Những nhu cầu thiết yếu thực sự khiến người ta đau đầu! Bà mẹ đảm có thể chọn cam sành mọng nước và thuần Việt thay vì cam Úc, cam Mỹ... vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà và tiết kiệm được một khoản chẳng nhỏ.
Thay vì chi hàng triệu đồng cho chiếc đầm hàng hiệu, bạn hãy đút lợn ngay bởi WFH (làm việc tại nhà) thì diện váy ''trendy'' để làm gì? Còn các đức lang quân có thể tranh thủ giai đoạn này để cai thuốc, cắt luôn khoản nhậu nhẹt sau giờ làm... Thế cũng tiết kiệm được một món kha khá.