ThS Hoàng Việt: Việt Nam phải có cảnh sát biển đủ mạnh...

07:02, Thứ hai 09/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Vấn đề chính ở đây là năng lực chấp pháp như thế nào. Chúng ta đã và đang xây dựng lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng này phải đủ mạnh thì mới có thể thực hiện được quyền kiểm soát ở đây được." - Thạc sĩ Luật Hoàng Việt.

PV: - Ngày 27/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Theo đó, những hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí sẽ bị phạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng.

Ông bình luận như thế nào về việc đưa ra quy định và mức xử lý vi phạm như trên? Việc xử phạt vi phạm hành chính này có loại trừ các hình thức xử phạt khác theo luật, nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng không, thưa ông?

Th.S Hoàng Việt: - Theo luật pháp quốc tế cũng như các công ước về biển mà Việt Nam tham gia và được thể chế hóa thông qua Luật biển Việt Nam thì chúng ta mới có cái khung còn cần các văn bản dưới luật để quy định cụ thể. Ngay cả trong Luật biển cũng quy định Quốc Hội đã giao cho Chính Phủ thực hiện quản lý các vùng biển và trên cơ sở đó Chính phủ đã cho ban hành Nghị định  quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng có nội dung xử phạt các tàu nước ngoài xâm phạm tới các vùng biển của Việt Nam, điều này theo tôi là hoàn toàn hợp lý theo thông lệ cũng như là pháp luật quốc tế. Đặc biệt với Công ước về luật biển cũng rất phù hợp bởi điều này xuất phát từ quy định về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam.

Còn việc  xử phạt vi phạm hành chính này có loại trừ các hình thức xử phạt khác theo luật, nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng không thì trên thực tế ở Việt Nam quy định tùy thuộc vào mức độ vi phạm của hành vi trái pháp luật đó nếu trong trường hợp nào vi phạm tới hành chính thì mới xử phạt hành chính còn nếu có hành vi vượt quá mức, phạm vào tội hình sự sẽ buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phạt tới 1 tỷ đồng nếu xâm phạm lãnh hải VN thăm dò dầu khí

PV: - Ngoài quy định trên, luật pháp Việt Nam có quy định xử lý hành vi xâm phạm lãnh hải, thăm dò, khai thác dầu khí như thế nào và đã từng xử lý các hành vi đó bao giờ chưa?

Th.S Hoàng Việt: - Luật Biển Việt Nam cũng chỉ mới được ban hành năm 2012, sau đó thì mới bắt đầu có các văn bản dưới luật. Mới đây, Quốc Hội còn tranh luận về việc Luật Biển ra đời rồi nhưng các văn bản dưới luật vẫn đang còn nợ đọng nên các quy định mới đang ở giai đoạn từng bước, từng bước thể chế hóa.

PV: - Việc xử phạt những tàu vi phạm lãnh hải thăm dò dầu khí đã có quy định nhưng việc xử phạt những hành vi xâm phạm lãnh hải cản trở tàu Việt Nam thăm dò hợp pháp trên lãnh hải của Việt Nam sẽ được xử lý ra sao?

Th.S Hoàng Việt: - Theo tôi, vấn đề chính ở đây là năng lực chấp pháp như thế nào. Chúng ta đã và đang xây dựng lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng này phải đủ mạnh thì mới có thể thực hiện được quyền kiểm soát ở đây được. Bởi nếu CSB đủ mạnh, chúng ta có thể buộc tất cả các đối tượng có hành vi xâm phạm lãnh hải, cản trở tàu Việt Nam thăm dò hợp pháp trên lãnh hải của mình phải tuân thủ quy định của chúng ta.

Việt Nam cũng đang từng bước, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng này, để có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước trong điều kiện hiện nay. Cũng giống như các nước khác trên thế giới như Mỹ hay Nhật Bản có lực lượng Phòng vệ bờ biển, tất cả các tàu cá hay đối tượng nào mà xâm nhập các vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước họ sẽ bị lực lượng này xử lý theo quy định của pháp luật.

Vì vậy chúng ta cần sớm có lực lượng CSB đủ mạnh cụ thể bằng việc kiện toàn tổ chức, trang bị vũ khí....

Đấy là về lực lượng chấp pháp còn với vấn đề các quy định của thì như đã nói từ đầu, chúng ta cũng mới chỉ có Luật Biển gần đây, muốn thay đổi hay phát triển thì cần phải có thời gian để xem xét những vấn đề phát sinh trong thực tế thì lúc đó chúng ta mới có thể tiếp tục hoàn thiện. 

PV: - Theo ông, với quy định này, việc xác định hành vi vi phạm và xử lý sẽ được tiến hành như thế nào? Liệu chúng ta có gặp khó khăn và rào cản nào trong việc xử lý những hành vi này hay không, và vì sao, thưa ông?

Th.S Hoàng Việt: - Khi chúng ta đã có Nghị định, theo sau đó sẽ là các Thông tư để hướng dẫn cụ thể vì vậy chúng ta cần chờ đợi. Bên cạnh đó, với lực lượng chấp pháp, trên thực tế có thể lực lượng CSB của Việt Nam đã xử lý các vụ việc như thế này nhưng các thông tin về vấn đề đó chúng ta không được biết nhiều vì vậy cũng cần phải có đủ thông tin mới có thể biết được việc xác định hành vi vi phạm và xử lý sẽ được tiến hành như thế nào.

Về những khó khăn và rào cản trong việc xử lý những hành vi này theo tôi chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải bởi sức ép rất lớn từ Trung Quốc. Nhưng bản thân Trung Quốc cũng đưa ra những luật để quản lý vùng biển của họ, và Việt Nam cũng hoàn toàn có quyền đó, cái này được Luật quốc tế công nhận, Luật biển của chúng ta cũng đã nêu rõ và vì thế Việt Nam cứ thực hiện đúng thẩm quyền của mình, không vượt quá là được.

PV: - Đưa ra quy định xử phạt những hành vi xâm phạm lãnh hải, làm tổn hại lợi ích quốc gia như vừa rồi có phải là hoạt động hành pháp thông thường của các nước không, thưa ông? Những hành vi tương tự theo luật pháp các nước trong khu vực thường bị xử lý như thế nào?

Th.S Hoàng Việt: - Việc này chính là hoạt động hành pháp thông thường của các nước, có những vùng biển chúng ta có chủ quyền hoàn toàn như vùng lãnh hải, nhưng có những vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì Việt Nam sẽ có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển đó và để bảo vệ các quyền đó, Việt Nam cần có các lực lượng để ngăn chặn những hành động xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta.

Những hành vi tương tự theo luật pháp các nước trong khu vực cũng có khá nhiều quy định, dễ thấy là ngay cả những tàu cá của Việt Nam sang đánh bắt ở các vùng biển khác như của Philippines, Inddoonessia đã bị họ xử và bắt nộp phạt, bỏ tù... những vấn đề này chúng ta đã có thể được biết qua việc đăng tải của báo chí, vì vậy có thể nói Việt Nam cũng làm tương tự các nước.

PV: - Xin cảm ơn ông!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc