“Có lần một bác sau khi tiêm thuốc kháng viêm, nghỉ một lúc đứng dậy và quỵ ngay dưới chân tôi, tôi phải đỡ mãi bác mới đứng dậy được, rồi bác bảo cảm giác thuốc sộc thẳng vào óc như muốn chết đến nơi”, chị Trương Diệu Trà kể về cảnh từng diễn ra tại một phòng khám Trung Quốc trên đường Giải Phóng.
[links()]
LTS: Sau khi chúng tôi đăng tải những bài viết về hoạt động khám, chữa bệnh của các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc, với những chiêu dọa nạt bệnh nhân, thu giá khám, chữa bệnh cao ngất… chúng tôi đã nhận được tâm sự của chị Trương Diệu Trà (ở Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại những ngày chị từng làm phiên dịch cho một phòng khám Trung Quốc trên đường Giải Phóng.
Xin gửi tới động giả toàn bộ chia sẻ của chị Diệu Trà, tít chính và phụ do Tòa soạn đặt.
Tuyển nhân viên không cần hợp đồng
Cách đây 6 năm, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Trung, vì chưa xin được việc nên có chị bạn giới thiệu, tôi xin vào làm phiên dịch cho một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Sau khi các bài viết về phòng khám Trung Quốc được đăng tải, nhiều phiên dịch từng làm cho các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lên tiếng lật tẩy chiêu trò của phòng khám. Ảnh minh họa LĐ. |
Tôi nói chuyện khoảng 5 phút với nguời quản lý Trung Quốc, người này hỏi tôi một vài thông tin như nhà tôi ở đâu, tốt nghiệp khi nào, học tiếng Trung đuợc bao năm.
Sau đó, người này nói rằng tôi là do nhân viên phòng khám giới thiệu nên không cần phải kiểm tra trình độ, hôm sau có thể tới làm việc luôn, với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng, không cần hồ sơ cũng không phải ký hợp đồng.
Sau này một số người nói tôi mới biết, phòng khám không ký hợp đồng lao động để không phải chịu trách nhiệm với lao động, nếu có xảy ra sự cố gì cũng dễ chối tội…
Tôi được phân làm phiên dịch phụ cho một bác sĩ người Trung Quốc ở khoa khám xoang, cả khoa có 3 phòng khám, hai phòng ở tầng một và một phòng ở tầng ba. Tôi được sắp xếp làm ở phòng số 2 dưới tầng 1.
Một phòng có hai bác sĩ nguời Trung Quốc và ba nhân viên người Việt biết tiếng Trung. Một bác sĩ khám chính và một bác sĩ chuyên tiêm cho bệnh nhân.
Chúng tôi không được biết bất cứ thông tin gì liên quan đến thuốc từ bác sĩ, phòng bốc thuốc ngăn rất kiên cố, do bác sĩ Trung Quốc thực hiện, không ai được phép vào.
Có lần tôi nói chuyện với một chị cùng làm, chị ấy kể từng học sư phạm tiếng Trung, nhưng đi dạy lương quá thấp, nên xin vào đây làm phiên dịch với mức 15 triệu/tháng, chưa kể tiền hoa hồng doanh thu mỗi tháng cũng ít nhất là 5 triệu đồng.
Thời điểm đấy khoa khám xoang có rất nhiều bệnh nhân tới khám, một ngày mỗi phòng phải tiếp đến 70-80 lượt người bệnh, tôi chỉ việc mở cửa, dẫn khách ra quầy tính tiền mà hai chân rã rời.
Không ít lần tôi nghe phiên dịch chính trơ trẽn nói với bác sĩ bằng tiếng Trung: “Trông người này có tiền đấy, tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông ta dùng thuốc loại đắt nhất”…
Có lần tôi chứng kiến một cặp vợ chồng từ Hà Nam lên khám, sau khi nghe chi phí quá đắt đã có ý từ chối tiếp tục chữa trị. Phiên dịch quay sang nói với bác sĩ xem ra họ chẳng có tiền chữa.
Nghe vậy bác sĩ liền vứt quyển sổ khám về phía bệnh nhân rồi bảo phiên dịch gọi bệnh nhân tiếp theo vào khám.
“Bách nhân nhất bệnh, trăm bệnh tất khỏi”
Chỉ cần mất hai ngày đứng nghe phiên dịch và bác sĩ tiếp bệnh nhân tôi đã thuộc bài bắt bệnh và quá trình trị liệu bệnh viêm xoang.
Thậm chí có lúc tôi thấy phiên dịch tư vấn trơn tru cho bệnh nhân về bệnh xoang còn hơn bác sĩ chuyên khoa. Cả trăm người vào khám bác sĩ đều phán bệnh y như nhau.
Đã vào phòng khám gặp bác sĩ Trung Quốc thì ai cũng có bệnh, dù thế nào cũng rất nặng, phải chữa trị gấp... Ảnh minh họa. |
Một ngày tiếp đến gần trăm bệnh nhân, bác sĩ cũng không cần quan tâm đến những lời phiên dịch dịch triệu chứng của từng người, chỉ cần gật gù cho đúng nguyên tắc. Phiên dịch thao thao một hồi sau đó bác sĩ sẽ đưa bệnh nhân ra máy soi mũi. Trong lúc vừa soi bác sĩ vừa nói những câu quen thuộc như bên trong hố mũi sưng to, viêm nặng, phải chữa trị gấp…
Sau đấy phiên dịch giải thích niêm mạc mũi bị tổn thương sưng tấy, phải tiêm một mũi kháng viêm, và dùng thuốc. Thuốc rẻ nhất từ 2 - 2,5 triệu đồng 5 thang, cao nhất là 7 triệu đồng cho 5 thang, uống trong thời gian từ 7 tới 10 ngày. Sau khi uống một tuần đến tái khám bác sĩ sẽ kê đơn tiếp.
Những câu trả lời mơ hồ vòng vo của bác sĩ sẽ được phiên dịch nói lại rất khéo léo với bệnh nhân rằng họ cứ yên tâm điều trị ở đây, sau một thời gian sẽ thấy có kết quả.
Cái phiên dịch cần làm là phải thuyết phục bệnh nhân tin vào tay nghề bác sĩ, khi nào thuyết phục được khách lấy ví ra được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã được các chị dạy dỗ cho rằng: “Có bệnh nhân nào hỏi thì phải bảo ở đây bệnh gì cũng chữa được, chữa tất và đã chữa là khỏi!”
Tư vấn cho bệnh nhân rất chuyên nghiệp, nhưng phiên dịch không một ai biết và đọc được tên thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân là gì.
Sau khi khám xong, nếu đồng ý chữa trị, bệnh nhân sẽ được tiêm một mũi kháng viêm, khi tiêm xong bệnh nhân nào cũng sẽ bị choáng, thông thường họ phải ngồi nghỉ ít nhất 10 phút mới có thể tỉnh táo lại. Mũi tiêm này được tiêm trực tiếp vào trong hốc mũi của bệnh nhân.
Có lần một bác đã lớn tuổi, sau khi tiêm thuốc, nghỉ một lúc đứng dậy và quỵ ngay dưới chân tôi, tôi phải đỡ mãi bác mới đứng dậy được, rồi bác bảo cảm giác thuốc sộc thẳng vào óc như muốn chết đến nơi.
Có cậu thanh niên cũng không chịu được mũi tiêm của bác sĩ, làm mũi anh chảy rất nhiều máu, tôi phải thấm hết gần một gói giấy ăn cho bệnh nhân.
Sau một thời gian làm việc ở phòng khám này, tuy thu nhập rất hấp dẫn và ổn định, nhưng phải chứng kiến những cảnh tượng khách bị móc túi ngang nhiên và bệnh nhân sốc thuốc kháng viêm làm tôi hãi hùng.
Nếu cứ tiếp tục công việc ở đây lương tâm tôi cũng không được thanh thản, nên tôi quyết định nghỉ việc.
Tôi chia sẻ những điều này chỉ hi vọng mọi người hiểu hơn về phòng khám Trung Quốc, đừng để bị mất tiền lại mang bệnh vào người.
>>Nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc phản ứng lạ |
- Trương Diệu Trà (Cầu Giấy, Hà Nội)