Thư tình viết hộ và nghị lực của người giáo viên nghèo

06:04, Thứ sáu 21/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Đã qua nửa đời người, những gì anh Phúc, chị Liên đã trải qua sẽ mãi là những năm tháng, những ký ức không bao giờ quên. Trong khó khăn gian khổ, giữa muôn ngàn mất mát ấy đã tồn tại một tình yêu thiêng liêng, cao cả.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát đau thương và dấu ấn của nó thì còn mãi in hằn trên cơ thể của những người thương binh và gia đình của họ. Hơn 30 năm là khoảng thời gian không quá nhiều nhưng cũng đủ để thấy được nghị lực phi thường của cô giáo Đặng Thị Liên, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) và anh thương binh Trần Danh Phúc hạng nặng 1/4.

Những năm tháng gian khổ, đau thương và vất vả nhất cũng đã qua, để giờ đây họ có một gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Và tất cả những gì trong quá khứ đã trở thành những niềm tự hào.

Cảm động bức thư tình viết hộ

Liên quê ở Thái Bình, tốt nghiệp trường Trung học sư phạm, Liên xung phong lên dạy học ở miền núi của tỉnh Hà Bắc cũ. Sau đó cô được điều về dạy học ở trường Tiểu học Ninh Xá và gắn bó với mảnh đất và sự nghiệp giáo dục cho đến tận bây giờ.

Cũng chính tại nơi đây, Liên đã gặp và yêu chàng trai Phúc. Một tình yêu gắn liền với tình thương. Nhiều mất mát đau thương nhưng lại vô cùng đẹp và giản dị.

Nhớ lại kỉ niệm của tình yêu hơn 30 năm về trước, cô giáo Đặng Thị Liên nghẹn ngào xúc động: “Năm 1979, một lần cùng những người bạn vào thăm các anh thương binh nặng đang được nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành.

Tôi được chứng kiến sự đau đớn, mất mát của hàng trăm chiến sỹ vì Tổ quốc mà để lại trên thân mình nhiều vết thương, người thì liệt, người thì mất chân tay, người thì chấn thương sọ não…. Và rồi tôi quen và biết đến anh Phúc ở đây”.

 Vợ chồng chị Đặng Thị Liên - anh Trần Văn Phúc
Vợ chồng chị Đặng Thị Liên - anh Trần Danh Phúc

Anh Phúc được chuyển về điều trị ở Trung tâm năm 1979 do bị thương nặng ở chiến trường, bị chấn thương sọ não nặng, hiện trên đầu anh vẫn còn 3 mảnh đạn không thể mổ để lấy ra được vì nếu mổ, tính mạng khó bảo toàn.

Bởi vậy, anh phải chấp nhận sống chung với những mảnh đạn ấy cho hết cuộc đời. Hậu quả của những vết thương ấy đã khiến Phúc bị câm, liệt nửa người bên trái. Suốt 30 năm nay, anh Phúc không nói được thành lời, thành tiếng rõ ràng. Thi thoảng những hôm thời tiết thay đổi, những cơn co giật khiến anh vật vã và đau đớn.

Kể từ sau lần gặp ấy, Liên tới trung tâm nhiều hơn để chăm sóc, an ủi, động viên và trò chuyện với anh, đến thăm anh dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Liên. Và tình yêu thương, sự ân cần của cô giáo trẻ cũng đã khiến anh Phúc cảm động.

Anh cũng đã bình phục và khỏe lên nhiều, cảm thấy cuộc đời mình như gắn chặt với cô, không thể sống thiếu cô, và anh đã quyết định lấy hết can đảm gửi thư cho Liên để nói hết tâm sự, bày tỏ tình cảm của mình, mong người con gái ấy chấp nhận tình cảm của mình.

Dù biết để đến được với nhau còn một chặng đường dài đầy chông gai phía trước, nhưng vì tình yêu cao cả, mãnh liệt mà chị Liên là người gieo mầm bấy lâu khiến chàng trai trẻ Danh Phúc không thể dối lòng mình.

Anh Phúc nhớ lại: “Hàng ngày cô ấy tới nói chuyện, an ủi động viên tôi. Cảm động trước tấm chân tình ấy nên tôi muốn nói cho cô ấy biết. Nhưng hồi đó tôi vẫn chưa nói được, làm sao thổ lộ với cô ấy!?.

Nên tôi đã nhờ anh bạn thương binh cùng phòng viết thư hộ, rồi lại nhờ người khác gửi cho Liên, mong cô ấy hiểu và chấp nhận tình cảm của mình”.

Sau khi nhận được lá thư của anh Phúc, chị Liên cảm động và thấu hiểu nỗi niềm cũng như mong muốn của anh Phúc, nhưng cũng không thể tự mình quyết định. Chị lặn lội về quê Thái Bình để xin ý kiến của bố mẹ.

Và điều mà chị lo lắng, trăn trở suy nghĩ bấy lâu nay cũng đã đến khi tất cả mọi người trong gia đình đều nhất định không đồng ý để chị lấy anh Phúc. Bởi họ lo cho tương lai của chị sau này. Chị Liên tâm sự:

“Bố mẹ khuyên tôi lấy chồng ở quê cho gần, còn có điều kiện chăm sóc bố mẹ sau này. Sợ tôi lấy anh Phúc sau này không thể sinh con đẻ cái, vì lúc ấy anh vẫn còn bệnh nặng lắm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm và thuyết phục gia đình rằng còn sống là còn hạnh phúc, còn có thể có con.”

Lúc biết bị gia đình chị Liên phản đối, anh Phúc buồn bã lắm nhưng không còn cách nào khác vì tình yêu chị Liên dành cho anh cũng như tình yêu anh dành cho chị quá lớn. Rồi anh vẫn động viên chị Liên cần thuyết phục gia đình dần dần.

Và khoảng thời gian đó anh vẫn nhờ người viết thư gửi cho chị Liên, vừa để tâm sự với chị, vừa động viên nhau để cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt. Cuối cùng, sự kiên trì và tình yêu chân thành của chị Liên cũng được đền đáp. Hai bên gia đình đồng ý để họ kết hôn.

Đối với họ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong trí nhớ và ký ức của họ, những kỉ niệm về ngày cưới như còn vẹn nguyên. Một đám cưới nho nhỏ được nhà trường và trung tâm đứng ra tổ chức cho đôi vợ chồng trẻ.

Ngày tổ chức đám cưới không có nhiều người, nhưng có đại diện của gia đình hai bên. Không có hoa, không có áo dài nhưng vẫn có âm nhạc, bánh kẹo và nhất là có những lời chúc mừng của tất cả mọi người. Một lễ cưới đơn xơ, giản dị nhưng ấm áp, vui vẻ và đầy ý nghĩa.

Nhắc đến đây, anh Phúc vui vẻ: “Sau lễ cưới, hai vợ chồng mới chở nhau bằng xe đạp về Quế Võ (quê tôi), rồi lên tận Thái Bình để ra mắt họ hàng. Tôi bị liệt chân trái nên ngồi trên xe đạp đằng sau để vợ chở, hai chân phải vắt lên nhau mới ngồi được.”

Ai cũng thương cho đôi vợ chồng trẻ nhưng cũng thầm chúc phúc cho họ. Sau khi lấy nhau, anh Phúc dọn ra ở cùng chị Liên trong khu tập thể của trường tiểu học Ninh Xá, nơi chị Liên đang giảng dạy. Chị Liên vẫn nhớ như in:

“Ngày ấy không có giường đôi, lúc hai vợ chồng chuyển về khu tập thể, anh bảo vệ trong trường mới lấy 2 chiếc giường một, ghép gỗ lại để thành chiếc giường đôi cho hai vợ chồng. Nghĩ mà cảm động đến rơi nước mắt”.

Ký ức không quên về những tháng ngày gian khổ

Hạnh phúc đến chưa trọn vẹn thì phía trước là cuộc sống đầy khó khăn, vất vả mà chị Liên cũng đã lường trước được. Giờ đây ngoài việc dạy học Liên còn là người “hộ lí” chuyên chăm lo bệnh tật và sức khỏe cho Phúc. Cả hai anh chị còn nhớ mãi những kỉ niệm gian khổ, khó khăn, vất vả trong cuộc sống của hai vợ chồng.

Năm 1984, sau khi kết hôn được 4 năm, 2 cô con gái lần lượt ra đời. 4 người ở trong một căn nhà nhỏ chặt hẹp trong khu tập thể. Sinh 2 cô con gái, chị  Liên không biết đến hai từ “kiêng cữ” là gì.

Khi cô con gái thứ nhất chưa đầy 3 tháng chị phải gửi vào nhà trẻ rồi tiếp tục đi dạy, đi làm thêm kiếm tiền. Mọi việc chăm sóc chồng, con cái đều một tay chị gánh vác. Công việc nào chị cũng chu đáo và hoàn thành xuất sắc.

Có lẽ, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu cao cả của chị Liên chính là động lực to lớn để anh Phúc vượt qua bệnh tật và có nghị lực vươn lên đấu tranh với bệnh tật.

Khi sức khỏe anh Phúc đỡ, chị Liên lặn lội lên Hà Nội buôn chè, hàng khô về cho anh Phúc ngồi bán, rồi mở quán nước gần cổng trường để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Cuộc sống quá khó khăn vất vả khiến chị Liên nhiều khi cảm thấy mệt mỏi, thậm chí có nhiều lúc muốn từ bỏ nghề giáo để bươn trải kiếm tiền nuôi chồng con.

Thế nhưng được sự động viên và giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp chị lại gắng gượng bám trụ với nghề, mong một ngày nào đó cơ chế sẽ thay đổi, và cuộc sống của chị sẽ đỡ vất vả hơn.

Tay đưa lên lau những giọt nước mắt, chị Liên xúc động: “Một mình phải vừa dạy học, chăm chồng, chăm con, với số tiền lương quá ít ỏi, chưa đầy 40 đồng 1 tháng khiến, cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi cả gia đình chỉ có một nguồn thu duy nhất.

Lương thì ít, có tháng họ không đủ tiền trả nên trả phân đạm thay tiền. Nhưng nhà mình không cấy hái nên không lấy đạm mà lấy thùng, chậu để đựng nước. Sau đấy đi xay gạo thuê lấy cám chăn nuôi rồi đổi gạch về dự trữ để xây nhà.

Hồi đó còn phải đi nhặt lá về đun. Làm thuê làm mướn, ăn dè hà tiện vẫn không đủ cho 4 cái miệng ăn và chi tiêu.”

Những ngày chị sinh con cũng là lúc bệnh của anh Phúc tái phát phải lên Viện 103 điều trị. Thương chồng chị cũng đành ở nhà đợi chồng. Khi biết chồng muốn về nhà sớm với vợ con mà bệnh tình chưa khỏi chị thương chồng và cảm động không nói nên lời.

Những năm tháng gian khổ nhất, đau thương nhất cũng qua đi. Bằng sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của người thương binh nặng và cô giáo nghèo. Năm 1990, cả hai vợ chồng Liên tiết kiệm cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, họ làm được mấy gian nhà trên mảnh đất được địa phương cấp cho trước cổng trường để cô tiện đi dạy và anh Phúc tới trung tâm điều trị cũng gần.

Hiện nay, anh Phúc cũng đang dần bình phục với sự tần tảo chăm sóc của người vợ hết mực thương yêu chồng. Anh ít lên cơn co giật và nửa thân người cũng đã cử động được.

Những công việc sinh hoạt và việc vặt trong gia đình anh cũng có thể giúp chị Liên. Hàng ngày anh ngồi xe lăn tới trung tâm điều trị, trưa lại về nhà ăn cơm với vợ con.

Nghĩ lại những năm tháng gian khổ chị Liên cho biết: “Ngày đó khổ quá ban giám hiệu trường đề cử tôi làm Hiệu trưởng, nhưng tôi đã từ chối vì lo không thể kham nổi. Vừa việc nhà, chăm chồng con, làm sao có thể gánh được trách nhiệm Hiệu trưởng được.

Nhưng sau bạn bè, đồng nghiệp và người thân động viên, tôi lại gắng sức làm hiệu trưởng. Đến năm 2008 tôi nghỉ hưu theo chế độ và về nhà chăm chồng, chăm con cháu.”

Đã qua nửa đời người, những gì anh Phúc, chị Liên đã trải qua sẽ mãi là những năm tháng, những ký ức không bao giờ quên. Trong khó khăn gian khổ, giữa muôn ngàn mất mát, đau thương ấy đã tồn tại một tình yêu thiêng liêng, cao cả, một mối tình của người thương binh chấn thương sọ não và một giáo viên nghèo.

  • Sông Lam

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc