ĂN DẶM KIỂU NHẬT LÀ GÌ?
Trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bé sẽ ăn cháo loãng rây qua lưới trong giai đoạn đầu thay vì ăn bột. Trong giai đoạn tiếp theo bé sẽ ăn cháo đặc nấu cùng rau củ, tiếp đến là ăn cơm từ nhão đến đặc nấu cùng rau, củ, thịt, cá.
Trong bất cứ giai đoạn nào, thực đơn ăn dặm kiểu Nhật luôn đảm bảo bé ăn đủ bốn nhóm thực phẩm gồm tinh bột, vitamnin, chất đạm và chất béo. Đồng thời các loại thức ăn phải được chế biến riêng để giữ nguyên mùi vị. Bằng cách này bé sẽ học cách làm quen với từng loại mùi vị khác nhau.
NGUYÊN TẮC ĂN DẶM KIỂU NHẬT
Nguyên tắc 1: Không nêm gia vị vào thức ăn cho đến khi bé khoảng 9 tháng tuổi
Việc này rất khác, thậm chí là một khác biệt rất lớn với phương pháp nấu cháo/bột của người Việt Nam cho các con ăn dặm. Hầu như chúng ta cho tất cả những gì có thể vào một bát cháo/bột cho con mình ăn dặm. Đầu tiên là gia vị: muối hoặc đường, thêm mì chính (cho ngọt) và dầu ăn nữa!
Thận của trẻ nhỏ còn non nớt, và những loại gia vị ấy khi nêm nếm vào đều khiến cho thận, gan quá tải. Chưa kể, khi dùng gia vị, ta thường phải cho con trẻ uống thêm nước lọc ngoài sữa, vì nước lọc giúp thận làm việc hiệu quả hơn. Nhưng vô tình, vừa phải “chịu đựng” gia vị của thức ăn lại vừa phải tiêu thụ thêm nước (ngoài phần sữa bổ sung) sẽ làm trẻ nhỏ yếu, mệt thay vì thoải mái và vui vẻ. Hơn nữa, hậu quả lớn hơn là các con mất dần đi độ nhạy trong vị giác. Bởi vì khi nêm muối hoặc đường, hay thậm chí là mì chính cho con thì bát cháo, bột của ngày hôm ấy đều có vẻ tương tự như bát cháo, bột của ngày hôm trước. Thực tế, trẻ nhỏ nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều, nên việc để cho con phát hiện ra, cảm nhận và tiêu hóa tự nhiên hương vị thực của thức ăn (đặc biệt là rau, củ, quả) sẽ đem lại rất nhiều cái lợi sau này. Như việc giúp trẻ không bị phụ thuộc vào “mùi vị công nghiệp” nữa.
Việc không nêm nếm gia vị vào đồ ăn của con, mẹ Trúc Lâm quán triệt rất rõ ràng. Hàng ngày mẹ trực tiếp chuẩn bị đồ ăn và đề nghị bà trông trẻ không cho con ăn gì ngoài những món mà mẹ đã “ra tay” chuẩn bị. Bà trông trẻ ban đầu không thích thế, vì bà nổi tiếng “mát tay” trong khoản ép trẻ con cả xóm ăn rong. Nhưng vì mẹ Trúc Lâm “cứng” quá, bà đành phải nghe. Sau thấy cũng nhàn, nên bà lại thích!
Nguyên tắc 2: Không tuỳ tiện trộn chung các món ăn của con
Ta vừa nói đến việc tùy tiện cho gia vị làm con mất cảm giác về hương vị tự nhiên. Việc trộn chung, hỗn tạp các nguyên liệu cũng sẽ gây ra điều tương tự. Người Việt Nam luôn cố gắng “làm tất cả” cho con cái, và một bát cháo/bột của con cũng có hàng chục thứ nguyên liệu khác nhau. Tất nhiên, người ta có thể nấu thịt nạc với rau ngót, nấu cá với cà chua, nhưng không có nghĩa là bữa nào cũng phải trộn đều dăm bảy loại với nhau. Càng không nên “úi sùi” theo kiểu vừa có bột nếp lại có bột tẻ, xay lẫn cả hạt sen, ý dĩ với bột đậu xanh. Riêng bột đã có đủ loại ngũ cốc vào rồi, lại nấu lẫn cả rau bất kỳ với thịt bất kỳ, nêm mắm muối “thơm lừng” và bỏ vào mì chính. Làm thế, các mẹ không thể xác định được con mình thích món nào và ghét món nào. Bữa ăn hôm qua cũng giống bữa hôm nay. Làm thế, trẻ cứ ngửi mùi bột/cháo là đã chán, thì làm sao hi vọng suốt quá trình ăn dặm trẻ sẽ hào hứng được?
Mẹ Trúc Lâm không bao giờ nấu lẫn. Mẹ luôn nấu riêng, trong một khay đồ ăn có ngăn riêng, mẹ chia từng món, cháo riêng, rau củ nghiền riêng, sữa chua riêng, rồi đến chuối hay đậu phụ non... Cứ thế, Lâm ăn lần lượt, xúc chậm rãi từng thìa, hết món này rồi đến món kia. Nếu món nào con không thích, hay bị dị ứng, mẹ có thể theo dõi và xác định rõ ràng, ghi nhớ cho lần nầu ăn sau.
THỰC ĐƠN ĂN DẶM KIỂU NHẬT CHO BÉ 6 THÁNG
thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng trọn 30 ngày đầu tiên của chị Nguyễn Thảo (Hà Nội)