Miếng dán hạ sốt có hiệu quả?
Cấu tạo của một miếng dán hạ sốt rất đơn giản: bên ngoài thường là một lớp vải không dệt và bên trong thường là một lớp gel. Thành phần chính của lớp gel này thường là gel bạc hà và các tá dược khác. Miếng dán hạ sốt là miếng dán có tác dụng tản nhiệt. Thành phần chủ yếu của nó là hydrogel - các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước nhưng có khả năng hút một lượng nước lớn ở vùng da được dán lên.
Do đó, khi mới dán lên sẽ có cảm giác mát lạnh, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nếu chú ý quan sát kỹ, bạn sẽ thấy khả năng làm mát của miếng dán không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng dán sẽ nhanh chóng trở lại nhiệt độ ban đầu.
Đặc biệt, do không chứa thuốc hạ sốt nên miếng dán loại này không có tác dụng hạ nhiệt cho toàn bộ cơ thể. Một số loại miếng dán hạ sốt có thêm tinh dầu, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt và chỉ dùng ngoài da nên khả năng hạ sốt cũng rất hạn chế.
Thực tế, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt cho cơ thể. Vì vậy, mọi người không nên chỉ dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi bị sốt. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về miếng dán hạ sốt, đây không phải là cách giúp trẻ hạ sốt hiệu quả.
Lời khuyên của thầy thuốc
Với những phụ huynh vẫn muốn sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ (vì rẻ tiền, dễ mua), cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng khi trẻ bị dị ứng hoặc sốt do viêm phổi, không được lạm dụng và không dùng trong thời gian lâu. Nếu thấy trẻ không giảm sốt cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.