Mới 8 tuổi gan đã trắng xóa mỡ, bác sĩ nói nguyên nhân do cha mẹ

14:37, Chủ nhật 20/09/2020

( PHUNUTODAY ) - Bé trai mới 8 tuổi nhập viện vì tăng men gan kéo dài 1 năm cùng tình trạng thừa cân so với tuổi, chỉ số men gan ALT lúc nhập viện >200 UL.

Béo phì là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ.

Béo phì là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ.

Gần đây Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM có tiếp nhận bé D., là nam, 8 tuổi nhập viện vì tăng men gan kéo dài 1 năm cùng tình trạng thừa cân so với tuổi, chỉ số men gan ALT lúc nhập viện >200 UL.

Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm tìm nguyên nhân đều bình thường, bác sĩ điều trị đã hội chẩn và quyết định thủ thuật sinh thiết gan để tìm nguyên nhân. Kết quả sinh thiết: gan nhiễm mỡ không do rượu với hình ảnh nhiều tế bào gan bị thoái hóa mỡ.

Sau đó, bé được cho khám dinh dưỡng về chế độ ăn và lời dặn tập thể dục để giảm cân, tái khám lại sau 1 tháng.

Qua đó có thể thấy, bệnh lý này hoàn toàn có thể điều trị được nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, tầm soát khá đơn giản chỉ với xét nghiệm men gan. Độ tuổi khuyến cáo nên tầm soát sớm bệnh lý này ở trẻ em là 9 -11 tuổi có thừa cân, béo phì.

Đặc biệt bệnh lý này ở trẻ em không có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp điều trị chỉ là giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn cắt giảm tinh bột, chất đường, chất béo kết hợp tập thể dục mỗi ngày. Bệnh nhân sẽ phải tái khám định kì từ 1 đến 6 tháng để đánh giá lại dinh dưỡng và xét nghiệm lại men gan, men gan giảm đồng nghĩa với sự hồi phục các tế bào gan bị thoái hóa.

GS Đào Văn Long – nguyên Trưởng khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết ông gặp tình trạng trẻ nhỏ bị gan nhiễm mỡ ngày càng nhiều.

Thậm chí, có những bé chưa học lớp 1 nhưng gan đã trắng xoá mỡ.

GS Long cho biết ở trẻ gan nhiễm mỡ thường do một số thói quen xấu và chế độ ăn uống không khoa học, dẫn đến thừa cân hoặc béo phì. Nếu cha mẹ thường xuyên cho con cái ăn các loại thực phẩm nhiều đường, chứa chất béo bão hòa hoặc chất bảo quản thì dễ sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ.

gan

Hậu quả của bệnh béo phì với cơ thể

Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như:

Thoái hóa khớp, đau thắt lưng: khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Hệ nội tiết, chuyển hóa: tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút,

Rối loạn tiêu hóa: dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Hệ tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

Hệ hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

Mắc bệnh mãn tính khi tuổi trưởng thành: Trẻ TC-BP có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Ngọc Lê