Theo quy định mới áp dụng từ đầu tháng 11 năm nay, các cơ quan quản lý sẽ có quyền đưa ra mức phạt đối với tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép lên tới 100 triệu đồng và có thể tiến hành tịch thu tàu, tịch thu hải sản khai thác trái phép, trục xuất thuyền viên nước ngoài khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Theo SaigonTimes, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11.
Nội dung đáng chú ý nhất của nghị định này là việc xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản quy định trong Nghị định là 100 triệu đồng áp dụng đối với cá nhân và 200 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức.
Đối với tàu cá nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam không có giấy phép sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra tàu, hải sản đánh bắt trái phép có thể bị tịch thu, còn thuyền viên nước ngoài sẽ bị trục xuất.
Nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại khu vực Trường Sa |
Thẩm quyền để đưa ra mức phạt này là Chủ tịch UBND các tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT, Tư lệnh Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục cảnh sát đường thủy.
Theo Tổng cục thủy sản, việc có Nghị định 103 thay thế cho Nghị định 31 trước đó là do trong thời gian qua đã có một số tàu cá đánh của nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không biết căn cứ vào quy định nào để xử phạt.
Nay, với những gì đã được đưa ra trong Nghị định 103 sẽ thuận lợi hơn cho việc xử phạt tàu cá đánh bắt hải sản trái phép.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Theo đó, những hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí sẽ bị phạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng.
Cùng với mức phạt tiền này, còn có hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.
Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tương tự nhằm mục đích khai thác dầu khí. Các đối tượng vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi và người nước ngoài vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí; an toàn, an ninh và môi trường trong lĩnh vực dầu khí; điều kiện kinh doanh xăng dầu; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin và các quy định khác trong lĩnh vực dầu khí... được Nghị định quy định cụ thể về mức tiền phạt và các hình thức phạt bổ sung.
Nghị định cũng quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và thanh tra chuyên ngành.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2013.