Tin phụ nữ 30/5: Say xỉn, người đàn ông thoát y gây náo loạn đường phố Sài Gòn

( PHUNUTODAY ) - Người đàn ông khoảng 50 tuổi có dấu hiệu say xỉn, đã thoát y, đuổi đánh người và chặn xe, gây náo loạn đường phố.

Say xỉn, người đàn ông thoát y gây náo loạn đường phố Sài Gòn

Vụ việc xảy ra vào khoảng 17h chiều 30/5 trên đường Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, gây náo loạn con đường này.

Theo đó, vào thời điểm trên, người đàn ông chừng 50 tuổi ngồi nhậu với 1 người phụ nữ trong quán ở số 286 đường Chu Văn An. Theo bà T chủ quán, trong lúc nhậu, người đàn ông này đã lớn tiếng chửi bới, gây mất ồn ào.

20170530182051-nguoi-dan-ong-thoat-y-2

Người đàn ông có dấu hiệu say xỉn, thoát y gây náo loạn đường phố. 

Bà T bực mình, đến gần thông báo sẽ không bán cho người đàn ông trên và nói sẽ tính tiền. Tuy nhiên, người đàn ông có dấu hiệu say xỉn không đồng ý, thậm chí còn sang bàn bên cạnh gây sự, đuổi đánh 1 người khác.

Bất ngờ, người đàn ông trên 50 tuổi lao ra đường, cởi bỏ hết quần áo, chặn xe ô tô, xe gắn máy các loại. Người này dùng quần áo quất vào nhưng người đang lưu thông trên đường. Vụ việc gây ồn ào cả con đường, có nhiều người dân hiếu kỳ tập trung theo dõi vụ việc.

Nhận tin báo, công an phường và lực lượng địa phương có mặt. Ban đầu, công an khuyên nhủ người đàn ông mặt quần áo và không được gây rối; tuy nhiên ông này không tuân thủ, tiếp tục có những hành động quái gở, nằm giữa đường la ó. Cuối cùng lực lượng công an buộc phải khống chế, áp giải người đàn ông về trụ sở công an để làm việc.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: "Sự cố như cơn ác mộng"

“Chúng tôi đau đớn cũng như người nhà của các bệnh nhân, các y bác sĩ đều có cảm giác mất đi người thân khi sự cố xảy ra”, bác sĩ Hoàng Công Tình chia sẻ với Zing.vn.

Hơn một ngày sau khi chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận nhân tạo, bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), vẫn chưa hết bàng hoàng vì cú sốc trong nhiều năm làm nghề y.

5e10386e-657b-4703-b5c5-b2ccf53744b8

 Trung tướng Trần Văn Vệ cùng Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra tại bệnh viện và thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị sau sự cố y khoa.

Đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi sau một đêm dài không ngủ, bác sĩ Tình chia sẻ khi sự cố xảy ra, đội ngũ y bác sĩ của Khoa thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và riêng kíp trực hôm đó, ai cũng đau xót.

Vị Phó khoa bảo lúc đó, 6 bệnh nhân bị nặng không phải qua đời cùng lúc vì diễn biến bệnh lý của mỗi bệnh nhân khác nhau, cơ thể từng người cũng không giống nhau.

Quá trình tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân gặp nạn khi chạy thận, một số nữ điều dưỡng đã khóc.

Nhớ lại thời điểm cấp cứu 18 bệnh nhân cùng lúc rơi vào khoảnh khắc sinh tử, bác sĩ Tình kể có lúc, ông đang trấn an các nhân viên trong chốc lát thì bệnh nhân cần cấp cứu lại xuất hiện đột ngột.

“Chúng tôi đau đớn cũng như người nhà của các bệnh nhân, các y bác sĩ đều có cảm giác mất đi người thân khi sự cố xảy ra”, vị Phó Khoa tâm sự.

Ông Tình cho biết sau khi sự cố khiến 7 người tử vong xảy ra khi chạy thận nhân tạo, người nhà bệnh nhân không có phản ứng tiêu cực nào đối với đội ngũ y bác sĩ và phía bệnh viện.

Theo bác sĩ giải thích, đối với 18 bệnh nhân chạy thận chu kỳ, họ và người nhà gần như đã quen thuộc với các nhân viên y tế trong Khoa.

Nam bác sĩ cho biết người nhà còn nhớ cả số điện thoại của các bác sĩ, bởi họ đến điều trị theo chu kỳ, có bệnh nhân điều trị đã vài năm nay.

Nói về sự cố xảy ra chiều 29/5, bác sĩ Tình thông tin tai nạn gây hậu quả quá lớn, tạo cảm giác hụt hẫng sau nhiều năm trong nghề. Ông chia sẻ tại Khoa Hồi sức tích cực, ông cùng đội ngũ y bác sĩ từng nhiều lần chứng kiến bệnh nhân cấp cứu bệnh nặng nhưng không qua khỏi.

“Sự cố lần này như một cơn ác mộng, nhưng đó là sự thật mà chúng tôi phải chấp nhận”, bác sĩ Tình bày tỏ.

Ngày 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận ở Khoa Thận nhân tạo bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bất ngờ xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng. Bệnh viện lập tức huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu tích cực cho bệnh nhân, đồng thời báo cáo Bộ Y tế và xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Đến 23h cùng ngày, 7 bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ. Những người còn lại được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong đêm để tiếp tục điều trị.

Sáng nay 30/5, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức, ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh này đã đứng lên xin nhận trách nhiệm về sự cố đáng tiếc. Ông cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình và các bệnh nhân gặp tai nạn.

Sự cố sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình xảy ra như thế nào? Tối 29/5, nam bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu suốt một ngày. Đây là nạn nhân thứ bảy tử vong trong vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu không để mất bệnh nhân vụ tử vong khi chạy thận Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận sự cố y khoa làm 7 bệnh nhân tử vong trong số 18 bệnh nhân đang lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là một sự cố y khoa rất trầm trọng.

Giám đốc bệnh viện nhận trách nhiệm vụ 7 người tử vong khi chạy thận

"Hàng chục năm nay, chưa từng có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra với mức độ nghiêm trọng như lần này", Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương nói.

Đêm trắng ở nơi có 7 người tử vong khi chạy thận nhân tạo

Kim đồng hồ chỉ sang thời khắc ngày mới, ngày 30-5, hầu hết các phóng viên bám trụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lúc này mới rời khỏi hiện trường. Khi đó, công tác di chuyển 10 bệnh nhân từ Hòa Bình về bệnh viện ở Hà Nội đã được các y, bác sỹ thực hiện gần như hoàn tất.

Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cùng 4 đồng chí Phó Giám đốc vẫn đang túc trực tại các điểm để chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT và khám nghiệm hiện trường. Các bác sỹ pháp y Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang bận rộn với việc khám nghiệm tử thi .

Đêm nay là một đêm trắng đầy đau thương ở Hòa Bình nhưng ở đó vẫn đong đầy sự sẻ chia của các cơ quan chức năng và nhân dân với gia đình những người bệnh xấu số và cả những người bệnh đang được y, bác sỹ từng phút giành giật lại sự sống.

Rạng sáng, đi ngang qua nhà xác bệnh viện, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những chiến sỹ Công an TP Hòa Bình, Công an phường Đồng Tiến đang giăng dây và đứng bảo vệ, ngăn cho người nhà và cả những người dân hiếu kỳ không vào trong khu vực lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ, nơi các bác sỹ Pháp y Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình đang khám nghiệm 6 tử thi, lúc này 1 tử thi khác đã được gia đình đưa về quê ở huyện Cao Phong.

Đâu đó, tiếng khóc của người nhà bệnh nhân thứ 7 vừa mới mất lúc 23h văng vẳng đầy thương xót. Đó là những hình ảnh đầu tiên của ngày 30-5.

Không ai nghĩ rằng chuyến công tác tại Hòa Bình ngày 29-5, của chúng tôi lại trở nên gấp gáp khi vừa xuống xe vào lúc 17h, nhóm PV đã có mặt tại trụ sở Công an tỉnh. Không khí trong phòng họp trùng xuống khi nghe Đại tá Phạm Hồng Tuyến báo cáo với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an về nội dung vụ việc.

Lúc này, tại bệnh viện, trong số 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì đã có 6 người bệnh tử vong, 2 người có tiên lượng xấu. Hơn 100 người nhà bệnh nhân vây kín bệnh viện , yêu cầu bệnh viện phải đối chất. Không khí căng như sợi dây đàn bởi nếu không bình tĩnh sự việc có thể đẩy đi xa, gây mất tình hình ANTT và ảnh hưởng đến việc cứu chữa các bệnh nhân còn lại.

Lực lượng Công an tỉnh đã có mặt, tăng cường lực lượng, đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND và Sở Y tế đảm bảo ANTT trên địa bàn và chỉ đạo giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý.

Ngay sau cuộc họp này, theo sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn, 4 mũi công tác đặc biệt do lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình làm Trưởng Đoàn đã đến 4 địa điểm huyện, TP, nơi có bệnh nhân tử vong để phối hợp với chính quyền ổn định tình hình, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân, đồng thời làm tốt công tác đảm bảo ANTT, công tác chính sách và mục tiêu là không để xảy ra tình huống đột xuất bất ngờ.

Gần 20h, xuống Công an phường Đồng Tiến, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các chiến sỹ Công an phường đang đổi ca trực ra bệnh viện làm công tác đảm bảo ANTT để cho những người chưa được ăn cơm về ăn tạm rồi lại ra điểm chốt gác.

Từ khi xảy ra vụ việc, không chỉ 100% cán bộ, chiến sỹ Công an phường mà cả CBCS Công an tỉnh và lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an được huy động để giải quyết vụ việc hy hữu này đều đã trải qua một đêm trắng và không được ngơi nghỉ.

Trụ sở Công an phường cách cổng bệnh viện vài chục bước chân thành đại bản doanh của tổ công tác đặc biệt Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình. Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã họp khẩn với các lực lượng Cục Cảnh sát Hình sự, Viện Khoa học Hình sự, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, Công an TP Hòa Bình cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình và TP Hòa Bình... nghe báo cáo vụ việc và rốt ráo triển khai các mặt công tác Công an. Hội trường nhỏ trở thành nơi các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu tài liệu hồ sơ ban đầu để có đánh giá, nhận định hướng và thực hiện những công việc cần làm ngay trong đêm.

Thời điểm này mới có 6 người tử vong, lực lượng Pháp y Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình đã triển khai các tổ công tác vừa khám nghiệm hiện trường, vừa khám nghiệm tử thi ; trong đó, 5 tử thi khám nghiệm tại bệnh viện, 1 tử thi gia đình đã đưa về nhà ở mãi huyện Cao Phong.

Không quản đường rừng núi xa xôi, trong đêm tối, dù vừa đi công tác Hải Phòng về đến nơi, Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc tỉnh lại trực tiếp lên đường, chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT và khám nghiệm tử thi tại huyện Cao Phong.

Theo ghi nhận của PV, các Cục nghiệp vụ và Công an tỉnh Hòa Bình mất khá nhiều thời gian để khám nghiệm hiện trường, thu nhiều mẫu để giám định ; đồng thời thu giữ các tài liệu liên quan tại bệnh viện phục vụ công tác điều tra; lấy lời khai những người biết việc và tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc... Gần 6h sáng việc khám nghiệm và các công việc khác mới tạm hoàn tất. Trong sáng 30-5, 7 tử thi đã được giao cho gia đình an táng theo phong tục.

Trong một diễn biến mới liên quan đến vụ việc, sáng 30-5, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ việc 7 người tử vong trong khi chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, khi sự cố xảy ra, do ngừng hoạt động của Khoa Thận nhân tạo, sau khi trao đổi với Đoàn Bộ Y tế, ngay trong đêm, bệnh viện đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng đưa10 bệnh nhân còn lại chuyển về bệnh viện tuyến trên tại Hà Nội; hiện còn 126 bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã trao đổi với Đoàn Bộ Y tế và các bệnh viện liên quan để chuyển số bệnh nhân này về điều trị tại Bạch Mai và bệnh viện Thận Hà Nội. Bệnh nhân nào không di chuyển được sẽ chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình, tối đa chạy thận 4 ca, với 24 bệnh nhân hàng ngày và sẽ thực hiện cả ca đêm.

Sở Y tế sớm thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét nguyên nhân và thời gian tới sẽ chỉ đạo bệnh viện phục hồi, sửa chữa khoa Thận để điều trị cho bệnh nhân, đồng thời, cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các bệnh nhân.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, TS Trương Quý Dương cũng đã nhận trách nhiệm, nhận lỗi với các gia đình nạn nhân xấu số đã tử vong và các bệnh nhân đang được chuyển tuyến trên điều trị.

Ông cho biết, sự cố y khoa nghiêm trọng này làm đảo lộn mọi công việc tại bệnh viện. Các y, bác sỹ chịu nhiều áp lực, rất nhiều người đã khóc vì người mất, có người là bệnh nhân điều trị lâu năm tại Khoa, thân thiết như người nhà. Dù bị ảnh hưởng bởi vụ việc nhưng các y, bác sỹ vẫn cố gắng ổn định tinh thần để tiếp tục chữa trị cho người bệnh còn lại một cách tốt nhất, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào tối 29-5, tại cuộc họp khẩn với Đoàn Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và các đơn vị chức năng liên quan để nghe báo cáo và chỉ đạo trực tiếp giải quyết vụ việc hy hữu trong ngành y tế xảy ra tại Hòa Bình này.

Trước đó, ngày 29-5, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đã làm việc với bệnh viện và các đơn vị liên quan để giải quyết vụ việc; thăm hỏi động viên, chia sẻ với các gia đình bệnh nhân đã tử vong và bệnh nhân đang nằm điều trị.

Cho đến thời điểm chiều 30-5, bên cạnh các hoạt động điều tra thì lực lượng Công an và chính quyền, cùng nhiều nhà hảo tâm, nhân dân vẫn tiếp tục sẻ chia mất mát, thăm hỏi, động viên tinh thần, ủng hộ vật chất tới gia đình các nạn nhân và những bệnh nhân đang tiếp tục điều trị bệnh tại Hà Nội.

Bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương

Ngày 30/5, tại phiên tòa liên quan đến vụ công dân Triều Tiên bị sát hại tại Malaysia, diễn ra ở tòa án quận Sepang, bang Selangor, Malaysia, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cùng với các luật sư Malaysia đã có mặt tại phiên tòa để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.

doan_thi_huong

 Bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết theo đề nghị của công tố viên, chủ tọa phiên tòa đã nhất trí chuyển vụ án lên xét xử tại Tòa Thượng thẩm Shah Alam, bang Selangor, Malaysia. Ngày mở phiên tòa thượng thẩm chưa được ấn định và sẽ được thông báo sau.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam và các luật sư Malaysia đại diện cho Đoàn Thị Hương để đảm bảo việc xét xử công bằng, khách quan, cũng như bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.

Phiên tòa nêu trên là phiên tòa thứ ba liên quan đến các nghi phạm tình nghi sát hại công dân Triều Tiên có tên trong hộ chiếu là Kim Chol.

Ngoài công dân Đoàn Thị Hương, nghi phạm thứ hai là Siti Aisyah, công dân Indonesia.

Bà Maridam, người phiên dịch cho Đoàn Thị Hương tại tòa, cho biết sức khỏe của nghi phạm Đoàn Thị Hương tốt.

Sự thật đằng sau video trẻ mầm non khóc ngất ngoài hành lang lớp học

Sau khi đoạn video ghi lại cảnh một trẻ mầm non khóc ngất ngoài lớp học được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến không ít người khi xem tỏ ra bất bình.

Trẻ 14 tháng khóc ngất bên hành lang lớp

Vào trưa ngày 30/5, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện đoạn video ngắn kèm theo thông tin về việc một cháu bé nhỏ đang nằm quỳ khóc ở hành lang nhưng không nhận được sự quan tâm của bất kỳ ai. Đồng thời, người chia sẻ đoạn video này cũng cho biết khi đi ngang qua cơ sở mầm non Tuổi thần tiên đóng tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An thì thấy sự việc cháu bé nằm khóc nên đứng lại quay.

Bên cạnh đó, những thông tin như vì bị ngăn cách bởi lớp hàng rào bằng sắt nên sau đó người quay video đã tiến lại gần và hô người. Đúng lúc này có một người phụ nữ ra và nói: “Ôi, mẹ xin lỗi con”, rồi bế vào dỗ dành ngay sau đó. Khiến nhiều người khi xem tỏ tò mò đồng thời thể hiện thái độ bất bình.

Đoạn video trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều người không khỏi xót xa, bất bình vì người lớn đã để trẻ nhỏ nằm quỳ ở thềm khóc gắt mà không chăm sóc.

Bên cạnh những hình ảnh, thông tin về cơ sở mầm non Tuổi thần tiên nên nhiều người nhận định đây là một cháu bé đang học tại cơ sở này và không nhận được sự quan tâm của các cô giáo. Có người còn cho rằng, có thể cháu bé này là học sinh bị cô giáo ở cơ sở mầm non trách phạt bắt ra ngoài thềm khóc.

Đồng thời nhiều người tỏ ra bất bình, phẫn nỗ trước cách làm việc của những giáo viên tại cơ sở mầm non này.

Thông tin sai sự thật

Trước những thông tin trên, phóng viên đã trực tiếp đến cơ sở mầm non Tuổi thần tiên xác minh sự việc. Các nhân viên làm việc tại cơ sở này xác nhận sự việc trên. Làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1950, trú tại khối 8, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) chủ cơ sở mầm non cho biết: Đoạn video kèm những lời bình luận trên là hoàn toàn sai sự thật gây mất uy tín cho trường.

Bà Tâm bức xúc: “Cháu bé trong đoạn video là con của nhân viên nấu ăn tại trường. Cháu đi theo mẹ nên bị té ngã, vì mẹ cháu phải bê bát đĩa vào trong nhà nên mới chạy ra để bế cháu, dỗ dành chăm sóc. Không phải là bỏ mặc cháu khóc mà không quan tâm. Có người mẹ nào lại làm như vậy không”.

“Nhà trường hoạt động từ năm 2006 đến nay, có giấy phép đầy đủ. Hàng năm, hàng tháng đều có cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định. Chúng tôi cũng mong muốn người đưa những thông tin sai sự thật công khai xin lỗi cá nhân tôi cũng như giáo viên làm việc tại cơ sở” - bà Tâm cho biết thêm.

Chị Trần Thị Trang (SN 1990, trú tại huyện Diễn Châu, Nghệ An) nhân viên nấu ăn có con bị té ngã, cũng là nhân vật chính trong đoạn video phân trần: "Cũng vì hôm nay bà cháu về quê nên tôi phải đưa theo con đến trường. Lúc đó khoảng hơn 10h sáng, tôi đang bê rổ bát vào phía trong thì cháu đi theo phía sau không may bị ngã. Tôi vội vào trong nhà để rổ bát xuống thì ra bế cháu dậy và có nói “mẹ xin lỗi con”. Lúc này có một người phụ nữ bịt khẩu trang đứng ngoài dùng điện thoại quay lại. Tôi chưa kịp nói gì thì người này điều khiển xe chạy đi. Sau đó tôi mới biết hình ảnh đó được đăng lên mạng xã hội và chia sẻ rất nhiều".

Chị Trang buồn bã nói: “Tôi là mẹ, con mình bị ngã sao tôi có thể bỏ mặc đến mức cháu khóc ngất như vậy được. Nhiều người bình luận nói sai sự thật khiến tôi rất buồn”.

Được biết cơ sở này đã đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay. Hiện tại cơ sở có khoảng 77 – 80 cháu ở 3 nhóm lớp.

Trở thành kẻ cướp vì đòi nợ người yêu cũ: Bị hại xin giảm án cho bị cáo

Liên quan đến vụ thành kẻ cướp tài sản vì đi đòi nợ số tiền 500 nghìn của người yêu cũ, bị hại đã xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo.

Theo đơn xin giảm án gửi TAND TP Hà Nội ghi ngày 27/5 của chị Trương Thị Nhu (SN 1991, quê ở Lục Yên, Yên Bái), bị hại trong vụ án này, chị là người mua hàng và nợ của bị cáo Phạm Xuân Hải số tiền 500 nghìn đồng. Chị cũng trình bày đã dùng ví đập vào mặt bị cáo Dũng tại thời điểm các bị cáo đến phòng trọ để đòi nợ.

"Việc tôi trả tiền cho anh Hải là tự nguyện, không ai ép buộc hay dùng vũ lực để buộc tôi trả tiền. Khi sự việc xảy ra, gia đình các bị cáo đã đến động viên và bồi thường cho tôi nên tôi không có yêu cầu gì thêm. Sau khi Tòa xét xử, tôi thấy mức án mà anh Hải phải chịu nặng quá, mong tòa xem xét giảm án nhẹ nhất" - chị Nhu ghi rõ trong đơn xin giảm án.

Như Pháp luật Plus đã đưa tin, chị Trương Thị Nhu (SN 1991, quê ở Lục Yên, Yên Bái) - người yêu cũ của Phạm Xuân Hải (SN 1991, trú tại Tân Tiến, Tân Quang, Bắc Quang, Hà Giang) gọi điện đặt mua lạp sườn với giá 500.000 đồng.

Thế nhưng sau khi lấy hàng, chị Nhu không chịu trả tiền. Hải rủ Phạm Ngọc Dũng (SN 1995, trú tại Thượng Nông, Taam Nông, Phú Thọ) và Lương Thành Phú (SN 1997, trú tại Bát Mọt, Thường Xuân, Thanh Hóa) cùng đến phòng trọ người yêu cũ đòi nợ.

Khi vào phòng, Dũng đòi tiền thì liền bị Nhu cầm ví đập vào mặt. Chị ta cũng định cầm điện thoại để gọi cho ai đó thì Dũng giật lấy và đưa cho Hải bỏ vào túi quần.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1998, quê Yên Bái, bạn cùng phòng với chị Nhu) chạy vào giường cầm điện thoại chạy ra ngoài để gọi điện thì bị Hải ngăn cản.

Hai bên xảy ra xô xát. Lúc này, Hải cất lời: “Thế giờ có trả tiền không”, thì Nhu mở ví lấy trả tiền cho người yêu cũ, đồng thời đòi lại điện thoại. Tuy nhiên, Dũng đã cầm chiếc iPhone5 đập xuống đất vỡ tan rồi cả ba bỏ về...

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội bị cáo Phạm Xuân Hải,Phạm Ngọc Dũng và Lương Thành Phú bị tuyên phạt về tội Cướp tài sản. Riêng bị cáo Phạm Ngọc Dũng còn bị truy tố thêm về tội Hủy hoại tài sản.

Bị cáo Phạm Xuân Hải bị tuyên 9 năm tù, Phạm Ngọc Dũng và Lương Thành Phú cùng nhận 7 năm tù về tội Cướp tài sản. Riêng Dũng phải chấp hành thêm 6 tháng tù về tội Hủy hoại tài sản. Do vậy, tổng hợp hình phạt mà bị cáo Dũng phải chấp hành là 7 năm 6 tháng tù...

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn