Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 về 27.780 đồng (giảm 3.110 đồng), xăng RON 95-III là 29.670 đồng (giảm 3.090 đồng) một lít. Như vậy, giá xăng đã giảm về dưới 30.000 đồng một lít, bằng với ngưỡng giá ở thời điểm giữa tháng 3.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel là 26.590 đồng một lít, giảm 3.020 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 26.340 đồng, giảm 2.010 đồng. Dầu mazut cũng hạ về 18.920 đồng một kg, giảm 800 đồng.
Giá xăng dầu từ kỳ điều hành 11/7 đến hết năm được giảm "kịch khung" thuế bảo vệ môi trường. Tức là mỗi lít xăng bớt được 1.000 đồng, các mặt hàng dầu 500-700 đồng một lít tùy loại (chưa gồm thuế VAT). Riêng dầu hỏa, mức thuế bảo vệ môi trường giữ nguyên 300 đồng một lít do đây là mức sàn trong khung thuế suất.
Trước đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1/4 đến hết năm nay. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng mạnh, giữ ở mức cao nên cấp có thẩm quyền quyết định giảm thêm thuế này từ 11/7 đến hết năm nay để hạ nhiệt mặt hàng này, tránh tác động tới lạm phát.
Tại văn bản hôm nay về triển khai Nghị quyết giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi (MFN) để đa dạng nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ này cũng được yêu cầu cần sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) với xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao.
Theo các chuyên gia, việc tính toán giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cần làm và trình Quốc hội sớm, không nên chờ tới tháng 10 - kỳ họp theo lịch thông thường của Quốc hội.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 18 lần, chủ yếu là tăng.
So với cuối năm ngoái, giá mỗi lít RON 95-III vẫn đắt hơn 6.380 đồng, E5 RON 92 tăng thêm 5.230 đồng một lít; còn dầu diesel là 9.020 đồng.
Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.
Tại kỳ họp vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, do tính chất quan trọng của xăng dầu nên vừa phải đảm bảo nguồn cung nguồn cung xăng dầu - đây là yếu tố then chốt, quyết định và vừa phải bình ổn giá.
Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục biến động tăng cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý xem xét một số yếu tố trong điều hành. Một là tiếp tục xem xét để cắt giảm một số loại thuế và Chính phủ có đề xuất liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thứ hai, đó là thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Hiện nay thuế nhập khẩu có hai loại là thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do FTA và thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN).
Ngoài việc cắt giảm thuế, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.