Tổ quốc là của người giàu hay nghèo?

07:05, Thứ ba 26/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Người giỏi vốn được “miễn” vinh dự, người giàu nay không chừng lại được “né” sự thiêng liêng. Hóa ra, tổ quốc 90 triệu dân với bốn ngàn năm Văn hiến là chỉ của… người nghèo!

Ý tưởng "Đóng tiền thay nghĩa vụ" đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.

Sau màn tranh cãi “trúng tuyển Đại học vẫn phải nhập ngũ”, mới đây “phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự” một lần nữa đưa chuyện “cống hiến bảo vệ tổ quốc” trở thành tâm điểm của dư luận.

Người giỏi “né tránh”… sự thiêng liêng

Không những tướng Tỷ, mà vừa qua nhiều vị quan chức quân đội khác cũng nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại cụm từ “vinh dự, thiêng liêng” một cách tự hào đối với các quân nhân.

Không thiêng liêng sao được khi chính mình được cầm trên tay ngọn cờ, vác trên vai cây súng để bảo vệ tổ quốc cùng cuộc sống của 90 triệu người dân.

Không vinh dự sao được khi được tôi rèn sức khỏe, ý chí trong môi trường nghiêm túc, kỉ luật.

Và còn gì tốt hơn khi được cống hiến cho quân đội nhân dân, một trong những lực lượng “hiếm hoi” trên thế giới đẩy lùi được những cuộc xâm lăng của những “gã khổng lồ” mạnh nhất thế giới.

Vậy mà, không biết từ khi nào nhiều người bắt đầu “sợ” điều thiêng liêng, danh dự ấy.

Mô tả ảnh.
Ý tưởng "Đóng tiền thay nghĩa vụ" đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.

 

Nghị định 42/2011/NĐ-CP về việc miễn nhập ngũ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2011 cho chúng ta thấy một vài điều thú vị.

Điển hình, công dân được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và đang hưởng lương cao cấp về chuyền môn, nghiệp vụ nào đó sẽ được miễn nhập ngũ.

Hoặc nếu công dân có trình độ nghiên cứu khoa học cao, là nguồn để phát triển tài năng cho đất nước cũng sẽ được “ở nhà”.

Tướng Tỷ cũng thừa nhận thực tế có cái ngược trong việc tuyển chọn nhập ngũ.

Việc xây dựng quân đội phải dùng đến những người đủ trình độ, trẻ, khỏe. Vậy ra, môi trường quân đội không phù hợp cho những người có trình độ cao, nghiệp vụ giỏi hay sao?

Phải chăng vì thế mà thanh niên có năng lực, nghiệp vụ cao lo sợ nhập ngũ “không có đất dụng võ”? Thế nên họ mới phải cố gắng “phủi bay” cái “vinh dự, thiêng liêng”, tự đánh mất cái công bằng vốn có của mình?

Khi xã hội phát triển, giả sử kịch bản đẹp nhất diễn ra rằng ai cũng học hành đến nơi đến chốn, ai cũng có nghiệp vụ cao thì quân đội sẽ vắng bóng người?

Và hoặc giả ngược lại, người ta vì muốn phục vụ tổ quốc mà đi nhập ngũ, thì xã hội sẽ gắn cho họ cái mác “thiếu trình độ”. Đó chưa chắc là sự công bằng.

Người giàu cũng “xô đẩy” niềm vinh dự

Cứ theo Nghị định 42/2011/NĐ-CP, người giỏi vốn đã “né” sự thiêng liêng, thì giờ đây lạ kì hơn, “người giàu” cũng được “đá” trái banh vinh dự về phía khác. Giả sử ý kiến “cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự” thành luật, thì điều gì sẽ xảy ra?

Sự “biến thể của lòng tin” sẽ xuất hiện.

Phát biểu trên báo chí tướng Tỷ nhấn mạnh: "Nghĩa vụ quân sự là lợi ích quốc gia, là xương máu và danh dự. Đã là xương máu thì không thể mua bán".

Từ xưa, thế hệ cha ông như tướng Tỷ vốn nghĩ “nghĩa vụ quân sự là niềm vinh dự, thiêng liêng” và phải đánh đổi bằng máu xương để thực hiện.

Còn nay, việc “đảm bảo danh dự bằng máu xương” ấy sẽ đổi thành một trò chơi nặc mùi thương mại, rằng ai có tiền sẽ không phải bỏ "máu xương"?

Vậy niềm tin về tính vinh dự, thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự sẽ chuyển sang một thể thức mới “vinh dự” của ngày xưa, giờ không còn là vinh dự nữa.

Mà giờ đây sẽ là sự cực nhọc, mệt mỏi, thậm chí là đáng sợ khiến con người ta dẫu phải làm lụng vất vã cũng cố kiếm tiền để “đẩy” niềm vinh dự ra xa.

Như vậy, người giỏi lẫn người giàu đều “đá” trái bóng thiêng liêng, vinh dự ra xa thì hóa ra người đón nhận chúng chẳng ai khác là những người nghèo, thất học, khó khăn, và “buồn cười” hơn là… suy dinh dưỡng.

Mức độ phát triển kinh tế hiện nay tại Việt Nam còn chưa đồng đều. Sự chênh lệch về mức độ tăng trưởng kinh tế khiến đời sống dân trí, thể chất cũng chênh lệch từ đô thành về nông thôn hẻo lánh.

Thế nên, có thể vẽ phác thảo ra được rằng chân dung những người “phải nhận” lấy trái bóng vinh dự, thiêng liên phục vụ quân đội.

Đó có thể là một anh chàng nhà quê thiếu học vấn, quanh năm ruộng vườn. Hay cũng có thể là anh quân nhân thấp bé, nhẹ cân. Hệ quả là các yếu tố có năng lực chuyên môn, có sức trẻ và sức khỏe mà quân đội đặt ra sẽ trở thành bài toán đố.

Người giỏi vốn được “miễn” vinh dự, người giàu nay không chừng lại được “né” sự thiêng liêng. Hóa ra, tổ quốc 90 triệu dân với bốn ngàn năm Văn hiến là chỉ của… người nghèo!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Mai Mai