Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, một số đối tượng đã đem một căn nhà đi "cố" (người đi thuê nhà ứng một số tiền lớn để nhận nhà và không phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, khi hết hạn hợp đồng sẽ được trả toàn bộ tiền đã ứng) cho nhiều người dưới hình thức ký kết hợp đồng vay tài sản và một hợp đồng "cố" nhà. Nhiều người dân nghèo ở TP.HCM đã gom hết tài sản đưa cho "chủ nhà" nhưng nhà không được nhận, hàng trăm triệu đồng dành dụm cả đời tan theo mây khói…
Những cú lừa… ngọt xớt
Gọi điện đến Báo, bà Võ Thị T. (SN 1947), P.1, Q.10, TP.HCM bức xúc: "Thông qua cò, tôi được giới thiệu gặp bà Trần Thị Hoa (ngụ 792/7 Đoàn Văn Bơ, P.16, Q.4, TP.HCM) - người đang muốn "cố" một số căn nhà để lấy tiền kinh doanh. Ngày 9/5/2012, bà Hoa và tôi đã làm hợp đồng vay tiền (có công chứng) đồng thời làm một hợp đồng "cố" nhà trong đó ghi rõ: Bà Hoa đồng ý "cố" cho tôi căn nhà số 653 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8 với số tiền 100 triệu đồng trong vòng hai năm (5/2012 - 5/2014).
Đồng thời bà Hoa "cố" cho tôi ba phòng tại khách sạn 703-705 Tạ Quang Bửu 100 triệu đồng với thời hạn như trên. Sau khi hết hạn hợp đồng, bà Hoa phải hoàn trả lại số tiền đã nhận của tôi, đồng thời tôi cũng hoàn trả lại nhà cho bà Hoa. Trong thời gian này, tôi được toàn quyền sử dụng căn nhà để ở hoặc cho thuê lại chứ không được sang nhượng hoặc cầm cố. Sau đó, biết tôi không có nhu cầu ở, bà Hoa nói để bà ấy giúp tôi cho thuê lại lấy tiền mỗi tháng nên tôi cũng đồng ý. Nhưng bà Hoa chỉ đưa cho tôi tiền thuê nhà bốn tháng rồi sau đó mất hút”.
Một căn nhà “cố” cho nhiều người. |
Bà T. nói: “Không gặp được bà Hoa, tôi tìm hiểu mới vỡ lẽ nhà tôi nhận "cố" và khách sạn không thuộc quyền sở hữu của bà Hoa. Chưa hết, bà Hoa còn mang căn nhà đã "cố" cho tôi để "cố" cho người khác. Rất nhiều người khác bị bà Hoa lừa giống tôi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc đem căn nhà 653 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8, TP.HCM "cố" cho bà Võ Thị T. 100 triệu đồng và bà Dương Thị Kim Anh 50 triệu đồng, bà Hoa còn lấy căn nhà số 87 đường 84 Cao Lỗ, P.4, Q.8, TP.HCM "cố" cho nhiều người khác, cụ thể là bà Trần Thị Hồng 70 triệu đồng, Trần Thị Thủy 60 triệu đồng, Nguyễn Thị Kiều Nga 80 triệu đồng, Nguyễn Thị Tuyết 300 triệu đồng; đem căn nhà số 10 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8, TP.HCM "cố" cho ông Nguyễn Thành Tuấn 400 triệu đồng và bà Đặng Thị Tố Nga 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà Hoa còn "cố" một số mảnh đất và nhà để vay của ông Hà Văn Hữu với tổng số tiền 700 triệu đồng… Theo các nạn nhân, các căn nhà nói trên đều không phải là tài sản của bà Hoa mà do bà thuê lại.
Bên cạnh đó, bà Hoa còn thuê quyền sử dụng đất đối với thửa đất 711 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8 của ông Nguyễn Văn Minh và bà Trịnh Thị Uyển để xây nhà, sau đó đem "cố" từng phòng trong nhà cho ông Nguyễn Mạnh Dũng để lấy 500 triệu đồng, bà Trần Thị Yên Đan 431 triệu đồng, ông Nguyễn Ngọc Sơn 130 triệu đồng, ông Đào Lý Thạch 130 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Rĩ 100 triệu đồng. Những người này ở được một thời gian, do bà Hoa không thanh toán tiền thuê đất tháng 8-9/2013, nên ông Minh và bà Uyển đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà Hoa và yêu cầu những người cư trú trên phần đất bàn giao mặt bằng.
Bà Trần Thị Yên Đan mếu máo: “Chúng tôi đã bị bà Hoa lừa, giờ ông Minh và bà Uyển báo cắt điện, nước khiến chúng tôi lâm vào tình cảnh hết sức bi đát mà không biết phải giải quyết thế nào. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để giúp đỡ chúng tôi”.
Một căn nhà "cố" cho hàng chục người
Với “chiêu” tương tự, ông Lê Anh Dũng, bà Nguyễn Hoàng Vương cũng lấy căn nhà 125/49 Âu Dương Lân, P.1, Q.8 đem "cố" cho 21 người với “kịch bản” tương tự như bà Trần Thị Hoa. Cụ thể: ông Dũng, bà Vương "cố" căn nhà nói trên cho các nạn nhân là bà Nguyễn Thị Bích Thủy để vay 100 triệu đồng trong thời hạn một năm; bà Đặng Thị Ngọc Tuyền 120 triệu đồng trong thời hạn hai năm; bà Trần Thị Thu Vân 310 triệu đồng; ông Hà Văn Hữu 280 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Thơ 350 triệu đồng, thời hạn hai năm; bà Trương Thị Thu Cúc 100 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết 150 triệu đồng; ông Phạm Văn Nhung 250 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Quang 130 triệu đồng…
Các nạn nhân bị lừa trong vụ "cố" nhà kêu cứu. |
Giải thích vì sao “dính chiêu” lừa của vợ chồng ông Dũng, bà Vương dễ dàng như vậy, ông Nguyễn Văn Quang cho biết: “Để làm tin, ông Dũng, bà Vương thực hiện cùng lúc một hợp đồng vay tiền có công chứng và một hợp đồng cầm, cố thế chấp (viết tay, điểm chỉ), sau đó là một hợp đồng cho thuê lại nhà đã "cố" để người cho vay tiền nhận tiền hàng tháng trong suốt thời hạn cho vay tiền và nhận "cố". Vì không nhận được tiền cho thuê lại nhà, qua nhiều lần hứa hẹn bất tín, chúng tôi yêu cầu ông Dũng, bà Vương hoàn trả lại tiền vay nhưng họ vẫn không trả. Hiện nay, qua các lần hòa giải tại UBND phường, theo yêu cầu của 21 người dân cho vay tiền, chúng tôi được biết ông Dũng đã bỏ trốn, bà Vương xác nhận không liên lạc được với ông Dũng, không biết ông Dũng ở đâu. Hiện con số nạn nhân mà chúng tôi được biết đã lên tới 40 người”.
Theo một điều tra viên của Công an Q.8, trong các trường hợp trên, người cho vay và người vay có hợp đồng cho vay, hợp đồng "cố" nhà (là các hợp đồng dân sự), có trường hợp không phải "cố" nhà nguyên căn mà là mỗi người "cố" một phòng, một phần của ngôi nhà, mảnh đất đó. Đáng nói là có trường hợp đối tượng đi thuê nhà của người khác, rồi lấy căn nhà đó chia ra nhiều phòng, đem các phòng đó đi "cố" cho nhiều người. Sau đó, đối tượng này ôm tiền “bùng mất” khiến cho cả chủ nhà cho thuê lẫn người cho mượn tiền đều là nạn nhân.
Các đối tượng đã đánh trúng vào mong muốn kiếm tiền nhanh của các nạn nhân để tung các chiêu lừa kể trên. Anh T.M.T. (Q.Gò Vấp), một người có “máu mặt” trong giới "cố" nhà cho biết: “Có 200 triệu, nếu bỏ vào ngân hàng thì lãi suất thấp, nhưng nếu mang 200 triệu đổi một căn nhà "cố" rồi cho thuê lại lợi nhuận sẽ cao hơn, tuy nhiên rủi ro vô cùng”. Theo anh T., để tránh những chuyện này, người dân khi cho mượn tiền nên làm đúng quy trình, đúng pháp luật. Người nào "cố" nhà thì phải là người đứng tên, chủ sở hữu căn nhà đó và chỉ nên "cố" nguyên căn chứ không nên "cố" một số phòng. Việc "cố" nhà nên lập hợp đồng bằng văn bản, khi giao tiền phải ghi biên nhận, đồng thời tiến hành nhận nhà để sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ cơ quan điều tra Công an Q.8 cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận hàng loạt đơn thư phản ánh về vụ việc này. UBND Q.8, Phòng Tư pháp cũng đã có ý kiến chỉ đạo cơ quan điều tra xem xét, xử lý vụ việc. Nhưng sau quá trình điều nghiên, xét thấy vụ việc thuộc về án dân sự nên cơ quan điều tra đã hướng dẫn các nguyên đơn khởi kiện ra tòa án để xử lý.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, Đoàn Luật sư TP.HCM thì Công an Q.8 trả lời như vậy là không đúng. Bởi ông Lê Anh Dũng, bà Nguyễn Hoàng Vương, bà Trần Thị Hoa thông qua hợp đồng vay tiền đã có hành vi "cố", giao nhà cho người khác sử dụng để lấy một khoản tiền lớn, nhưng những căn nhà đó không phải do ông Dũng, bà Vương, bà Hoa chủ sở hữu và cùng một thời điểm, một căn nhà lại được đem "cố" cho nhiều người sử dụng để lấy tiền, là có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật Hình sự. Những người bị hại có quyền làm đơn tố cáo gửi Công an Q.8 yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Dũng, bà Vương, bà Hoa. Trường hợp tổng số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thẩm quyền điều tra vụ án thuộc Công an TP.HCM.