(Đời sống) - Tại Bình Dương, các cây xăng đang phải đau đầu đối phó lại nạn dùng súng cướp tiền ở cây xăng khiến nhiều cây xăng lo sợ phải đóng của sớm.
[links()]
Ngày 2/7, trả lời phóng viên TTXVN, đại diện Cơ quan điều tra - Công an huyện Bến Cát cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của người dân. Hiện công an huyện phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương đang khẩn trương điều tra vụ việc.
Người dân thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát phản ánh vì lo ngại bị cướp nên các cây xăng thường xuyên đóng cửa nghỉ bán bất thường vào buổi tối, khiến nhiều người đi đường gặp khó khăn trong việc đổ xăng.
Trước đó tại cây xăng Ánh Sáng (ấp 3, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương) - nơi xảy ra vụ cướp tiền, chủ cây xăng vẫn chưa hết bàng hoàng.
Bà Huỳnh Thị Lan - chủ cây xăng bị cướp tiền cho biết tối 28/7, hai thanh niên lạ mặt ghé vào trạm xăng. Chị Lan tưởng họ đổ xăng nhưng một thanh niên rút khẩu súng bắn về một can nhớt, bắt chị giao gần 40 triệu đồng, toàn bộ số tiền bán xăng trong ngày. Tại cây xăng Thái An (quốc lộ 13, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát), một vụ tương tự cũng đã xảy ra.
Theo các chủ cây xăng, các vụ dí súng, thậm chí nổ súng để cướp tiền có thể là do một băng nhóm gây nên. Các chủ cây xăng đã chủ động lắp camera giám sát, nghỉ bán vào buổi tối nhưng họ vẫn nơm nớp lo sợ tình trạng này diễn ra.
Cướp giật đều là dân nhập cư |
Vụ việc cho thấy trộm cướp Việt đang ngày càng táo tợn và có tổ chức hơn, không chỉ dùng những công cụ kim khí như dao kiếm, mà đã 'nâng ngạch' lên dùng 'hàng nóng'. Các vụ cướp được tiến hành trong một thời gian nhất định và chỉ tập trung vào các cây xăng trong huyện. Nhóm cướp cao tay này có nhiều khả năng là "di cư" từ TP.HCM xuống địa bàn mới làm ăn khi Công an TP.HCM liên tục tăng cường lực lượng, ra quân trấn áp cướp giật.
Cuối tháng 7 vừa qua, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 8 bị can trong băng nhóm từng gây ra 17 vụ cướp, trong đó có vụ chặt tay, cướp xe SH từng gây rúng động dư luận, khiến nạn nhân bị thương tích tới 47%.
Thủ đoạn của các đối tượng là phục kích nạn nhân trên những đoạn đường vắng, ép xe rồi vùng dao, mã tấu chém tới tấp để cướp xe, ĐTDĐ, ví tiền… Những người đi xe tay ga đắt tiền thường được chúng chọn khi gây án.
Vụ việc gây rúng động dư luận Sài Gòn là vào đêm 24/11/2012, 4 tên Hồ Duy Trúc (tự Tuấn, SN 1993) Nguyễn Hoàng Phương (tự Bò, SN 1993), Trần Văn Luông (tự Đực, SN 1988), Huỳnh Thanh Sơn (SN 1982) đi trên 2 xe gắn máy đã rút mã tấu dài khoảng 70cm, chém liên tiếp 2 nhát vào người đi đường để giật giỏ xách chứa tài sản (4,2 triệu đồng) của nạn nhân.
Tình hình cướp giật gia tăng ở TP.HCM gây nhức nhối dư luận. Trong kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 7 vừa qua, Đại tá Ngô Minh Châu - PGĐ Công an TP.HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn trộm cướp và lừa đảo tăng vì trong những năm qua, tình hình dân nhập cư vào thành phố tiếp tục gia tăng. Mỗi năm, thành phố tăng thêm 230 ngàn dân nhập cư. Trong đó, một số địa phương có tội phạm nhiều đều kéo về TP.HCM để tìm đất sống. Một nguyên nhân nữa khiến tình hình phạm pháp hình sự tăng là liên quan tình hình suy thoái kinh tế.
Phát biểu của ông Châu khiến nhiều người nhớ đến tình trạng cướp biển ở Somali, một trong những quốc gia nghèo đói nhất, bạo lực nhất và bất ổn nhất trên thế giới. Đối với những người Somali, đặc biệt là các thanh niên thất nghiệp, những rủi ro khi dấn thân làm cướp biển không là gì so với những hiểm nguy mà họ phải đối mặt hàng ngày tại đất nước nghèo đói, bị nội chiến tàn phá này.
- Trúc Linh (Tổng hợp)