TQ muốn gì khi giúp Campuchia xây nhà máy lọc dầu?

07:28, Thứ năm 17/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) vừa ký một thoả thuận cấp tín dụng trị giá 1,67 tỷ USD cho Công ty Hóa dầu Campuchia (CPC) để xây dựng một nhà máy lọc dầu.

Theo TTXVN, ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) vừa ký một thoả thuận cấp tín dụng trị giá 1,67 tỷ USD cho Công ty Hóa dầu Campuchia (CPC) để xây dựng một nhà máy lọc dầu có địa điểm tại ranh giới giữa hai tỉnh Preah Sihanouk và Kampot. 

Động thái này diễn ra sau khi công ty CPC và một số doanh nghiệp Trung Quốc hồi tháng 4/2013 ký một biên bản ghi nhớ để cùng xây dựng nhà máy lọc dầu 5 triệu tấn dầu ở Campuchia.

Phát biểu sau lễ ký kết, Phó Thủ tướng thường trực Campuchia Keat Chon cho rằng dự án trên sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế và giảm đói nghèo khi "đơm hoa kết trái." 

Trong khi dó, Chủ tịch Eximbank LI Ruogu cho hay Trung Quốc và Campuchia có mối quan hệ khăng khít và Eximbank sẽ tiếp tục hỗ trợ Campuchia để tăng cường quan hệ hợp tác song phương. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hối thúc công ty Dầu khí và Hoá chất Trung Quốc (Sinopec), công ty sản xuất dầu lớn thứ 4 thế giới, đẩy nhanh tiến độ và hoàn tất việc xây dựng nhà máy lọc dầu này vào năm 2018.

Ảnh minh họa. (Nguồn: priceofoil.org).

Hiện tại, Campuchia nhập khẩu toàn bộ dầu và khí đốt từ Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Theo số liệu của Bộ Thương mại Campuchia, chi phí nhập khẩu 1,65 triệu tấn dầu của Campuchia trong năm 2012 là 1,62 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm 2013, Campuchia đã nhập khẩu 1,1 triệu tấn dầu, trị giá 1,04 tỷ USD. Chính phủ Campuchia ước tính nhu cầu dầu mỏ của nước này sẽ tăng lên 4 triệu tấn/năm trong thời gian tới do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Trước đây, Trung Quốc cũng đã nhiều lần 'rót tiền' tài trợ cho Campuchia. Vào tháng 11 năm ngoái, trước khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á khai mạc, tờ The Wall Street Journal đã bình luận với hàm ý rằng ông Obama nên chuẩn bị sẵn tinh thần việc không được nước chủ nhà đón tiếp long trọng bằng đón ông Ôn Gia Bảo bởi giờ đây sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia đã vượt xa Mỹ rất nhiều, VTC dẫn tin.

LiMingjiang, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc nhận định người Campuchia hiểu rằng Trung Quốc là “ân nhân”  lớn nhất của họ trong những năm qua. 

Từ 2006 đến tháng 8/2012, các công ty Trung Quốc đã đổ hơn 8,2 tỷ USD tiền đầu tư vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở đất nước chùa Tháp. 

Từ năm 1992 đến nay, Bắc kinh cấp viện trợ 2,1 tỷ USD cho Campuchia và các khoản vay để tài trợ các dự án phát triển nông nghiệp và xây dựng 2.000 km cầu đường.

Chưa hết, hồi tháng 9/2012, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ông Ôn Gia Bảo – Thủ tướng Trung Quốc lúc bây giờ đã hứa sẽ cung cấp một khoản viện trợ trị giá 24 triệu USD như “một món quà” cho Campuchia và ba thỏa thuận khác về vốn vay ưu đãi trị giá khoảng 80 triệu USD dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay. 

Trong khi đó, một công ty Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thép và sử dụng 10.000 lao động ở Campuchia để sản xuất 3 triệu tấn thép mỗi năm.

Nhờ các khoản đầu tư nói trên, “bộ mặt” của Campuchia đã thay đổi. Bắc Kinh khẳng định các khoản viện trợ của Trung Quốc cho Camphuchia là nhằm thúc đẩy tiến bộ ở một quốc gia nằm trong danh sách phát triển kém nhất trên thế giới, với GDP bình quân đầu người chỉ đạt 830 USD. 

Theo Tuổi trẻ, ước tính, 5 năm qua Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia hơn 2 tỉ USD “không kèm theo điều kiện nào”. Sau “hành động hào hiệp” này của Bắc Kinh, liệu Trung Quốc được gì và Campuchia được gì?

Mối quan hệ Phnom Penh - Bắc Kinh những năm gần đây là một trong những mối quan hệ được Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao. Ông cho rằng ông muốn có những người bạn như Trung Quốc. Bởi vì theo ông, không giống như những nước viện trợ khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Nhưng liệu viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia có thực “miễn phí”? “Trung Quốc cần Campuchia - nhà kinh tế Tith Naranhkiri nói thẳng - Trong trường hợp có vấn đề an ninh, chẳng hạn chiến tranh với Đài Loan, Trung Quốc sẽ cần đến Campuchia. Thứ hai là vì các lý do kinh tế, họ (Bắc Kinh) cần dầu và khí đốt”.

Trong khi đó, quan sát viên Chan Sophal nêu rõ lợi ích của Bắc Kinh: “Họ giúp chúng tôi nhưng cũng dòm ngó những tài nguyên mà chúng tôi có như các khu mỏ, dầu, vàng, sắt và đất đai”. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: