Trách mắng trẻ con khi có người lạ là một sai lầm lớn

11:44, Thứ năm 07/06/2018

( PHUNUTODAY ) - Việc các phụ huynh dạy dỗ con giữa chốn đông người chắc hẳn chẳng còn xa lạ. Nhưng họ không ngờ việc này có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.

Dung háo hức nghĩ đến kỳ nghỉ sắp tới, chắc sẽ có một kỳ nghỉ êm đềm đây. Cô và mấy người bạn cùng thuê một chiếc xe con chạy bon bon tới thành phố Vinh êm ả, thanh bình. Nghĩ tới bầu trời xanh đổ nắng vàng óng với biển rộng bát ngát Dung cứ mơ màng mãi không thôi.

Nhưng chẳng thể ngờ được sự có mặt của mẹ con chị Hoa đã khiến chuyến dã ngoại thành một chuyến đi chẳng mấy dễ chịu…

Tình yêu của chị với con thể hiện qua những lời trách mắng liên hồi gây phiền toái cho những người xung quanh

Cái nắng hầm hập ngày hè đã hạ nhiệt khi bóng chiều tà dần buông xuống. Chiếc xe 7 chỗ màu xanh đỗ xịch ngay trước mặt Dung. “Đợi anh lâu không? Giờ mình qua đón mẹ con Hoa nhé!”. Anh Hùng bụng tròn xoe, cái mặt cũng xoe tròn, cười hồ hởi, nhanh nhẹn đỡ lấy chiếc ba lô trên vai Dung giúp cô cho vào cốp xe. Dung tròn mắt ngạc nhiên: “Cu Nam cũng đi à anh?”. “Ừ, đi cho thằng Tùng nhà anh có bạn”.

Thi thoảng Dung cũng gặp Nam, cậu bé dong dỏng cao, da ngăm đen và mái tóc xoăn tít. Nam cao gần bằng mẹ, chân tay dài ngoằng. Dung thường nửa đùa nửa thật gọi cậu bé là “thanh niên hoi”. Nam có đôi mắt to, nhưng chẳng mấy khi cậu bé nhìn thẳng vào mặt người đối diện khi nói chuyện. Đôi mắt cứ nem nép như ngại ngùng, chỉ muốn khép chặt cánh cửa tâm hồn mình lại. Nhưng lạ là Nam rất quấn quýt với Tùng, có lẽ là do hai anh em trạc tuổi nhau. Thế là hai cu cậu ngồi sau xe cứ chòng ghẹo nhau, huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Lần đầu tiên Dung thấy Nam cười hồn nhiên và vui vẻ đến thế.

dem-hoi-danh-cho-xe-o-to-1(5)

Nhưng lạ là cậu con trai làm gì, nói gì cũng đều bị mẹ chỉnh lại. Vừa ngả lưng lên xe, chị Hoa đã nhắc con: “Nam ơi, ngồi thẳng lưng lên con”. Nam dựng được cái lưng thẳng một lúc, lại đâu vào đấy, chân tay cậu bé loằng ngoằng như một thứ thừa thãi. Cứ một lúc chị Hoa lại quay xuống nhìn con nhắc: “Ơ, cái thằng này, bảo ngồi thẳng lên mà cứ ngả ngớn thế nhỉ? Đàn ông con trai gì mà ngồi chân cẳng khuềnh khoàng thế kia?”. Nam chớp chớp đôi mắt to như hai cái đèn pha lẳng lặng nhìn mẹ chẳng nói chẳng rằng. Đến khi bị nhắc nhiều quá, cậu lườm mẹ một cái rồi buông một câu: “Biết rồi! Nói mãi!”. Dung tròn mắt ngạc nhiên, như không tin vào tai mình khi nghe thấy câu trả lời cộc lốc không đầu không cuối của Nam. Nhưng chị Hoa lại chẳng có phản ứng gì, như thể những lời này quá quen tai.

Nhưng dường như không một cử chỉ nhỏ nào của cậu con trai lọt khỏi mắt chị Hoa. Cứ một lúc chị lại nhắc con một lần, không chuyện này thì chuyện khác. Thành ra người nghe chị trách móc không chỉ có mình cậu con trai của chị, mà còn có thêm 4 người khác trên xe. Phải đến khi hai mẹ con chị chìm sâu vào giấc ngủ Dung mới được an giấc.

Dung còn nhớ mình đã từng đọc được một câu chuyện về người mẹ Nhật dạy con khi cô bé mè nheo trên xe buýt

Cô bé nhõng nhẽo đòi mẹ mua cho một nàng búp bê xinh xắn nhưng không được toại nguyện. Người mẹ bảo: “Ở nhà con đã có một tủ các bạn búp bê tuyệt đẹp rồi cơ mà!”. Nhưng cô bé không chịu, người mẹ kéo tay mãi cô bé mới dứt ra khỏi sạp hàng đồ chơi. Cô bé phụng phịu theo mẹ bước lên xe buýt. Vừa lên tới nơi cô bé đã bắt đầu thút thít và quấy khóc. Người mẹ Nhật nhỏ nhẹ dỗ dành, nhắc nhở nhưng cô bé vẫn mếu máo “làm già”.

Không muốn ảnh hưởng tới mọi người trên xe buýt, người mẹ Nhật dẫn cô bé xuống ngay bến tiếp theo. Đến khi chỉ còn hai mẹ con cô mới nghiêm khắc trách mắng cô bé. Cô bé biết rằng mình đã sai nên ngừng khóc. Thi thoảng chỉ nghe thấy tiếng sụt sùi nhè nhẹ. Đến khi ấy người mẹ Nhật mới cùng con đón chuyến xe khác trở về nhà.

bi-quyet-day-con-ngoan-ngoan-va-biet-hop-tac

Vì sao trẻ thường “hư” khi có khách

Khi nhà có khách hoặc khi gia đình tụ tập gặp gỡ giao lưu ở những nơi đông người trẻ thường có xu hướng muốn “thể hiện” mình, và đó là một biểu hiện tâm lí rất bình thường của con trẻ mà cha mẹ cần hiểu. Có thể vì xấu hổ nên trẻ muốn che lấp sự xấu hổ ấy đi bằng hành động khác thường, vụng về lúng túng. Hoặc cũng có khi là vì trẻ rất vui khi được gặp người khác nên trở nên cao hứng thích làm cái này cái kia. Hoặc cũng có thể là muốn gây sự chú ý với những người xung quanh (đặc biệt là các bé trai) nên thích làm những trò mới lạ. 

Còn ba mẹ lại chỉ đứng trên lập trường của mình phán xét các hành động của con, chứ không hiểu thấu tâm lí vì sao con muốn làm như thế. Trẻ không hề cố ý muốn làm sai để ba mẹ buồn, nhưng ba mẹ lại trách mắng, nhất là lại trước mặt người khác nữa, vừa xấu hổ vừa khiến lòng tự trọng bị tổn thương, trẻ sẽ trở nên tự ti với bản thân mình đi rất nhiều.

"Nếu cha mẹ luôn mang trong mình suy nghĩ phủ định, tiêu cực về con cái, thì con cái cũng sẽ trở nên tiêu cực và trở thành người phủ định như suy nghĩ của cha mẹ".

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Minh Ngọc