Viêm ruột thừa cấp
Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi trẻ em. Đây là một trong những căn bệnh gây ra những cơn đau bụng cấp tính ở trẻ em.
Trẻ dưới 2 tuổi: Các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ dưới 2 tuổi thường khó phát hiện hơn, gồm có: sốt nhẹ, nôn trớ, quấy khóc, người xanh xao, sờ vào vùng bụng trẻ thường khóc thét.
Trẻ trên 2 tuổi: Viêm ruột thừa có những dấu hiệu tương tự như người lớn, bao gồm: đau ở hố chậu phải, cơn đau bụng tăng dần, liên tục, trẻ thường bị đau bụng và nôn, sốt nhẹ.
Cần xử lý bằng phẫu thuật. Nếu không mổ sớm thì ruột thừa bị mưng mủ hoặc hoại tử vỡ ra và gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý: Trẻ bị đau ruột thừa lúc đầu có thể đau ở vùng thượng vị, quanh rốn, sau đó mới khu trú xuống vùng hố chậu phải.
Lồng ruột cấp tính
Căn bệnh thường gặp ở những trẻ bụ bẫm, bé trai gặp nhiều hơn bé gái, trong độ tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi, đặc biệt nhiều hơn ở những trẻ từ 6 – 9 tháng.
Biểu hiện: trẻ đau bụng với những cơn đau ngắt quãng, đau từng cơn, mỗi cơn đau khóc thét, uốn người kèm theo nôn, da tái nhợt, có khi nôn hoặc đi ngoài phân lẫn nhầy và máu. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay, trẻ được bơm hơi, tháo lồng sẽ có kết quả tốt. Ngược lại, thể gây hoại tử ruột, phải mổ cắt ruột và việc hồi sức sau mổ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thoát vị bẹn nghẹn
Thắt nghẹn luôn là mối đe dọa đối với thoát vị bẹn ở trẻ em. Nguy cơ thắt nghẹn cao ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non. Khi bị nghẹt khối thoát vị căng và đau, sưng vùng bẹn hoặc bìu. Sờ, nắn vào trẻ phản ứng khóc to. Trong thoát vị bẹn ở nam các tạng sa xuống về phía bìu, còn ở nữ các tạng sa về phía môi lớn. Thoát vị bẹn nghẹt ở nam cũng như nữ nếu không xử trí kịp thời sẽ gây tổn thương nặng đối với tạng bị nghẹt, đặc biệt hoại tử vành quai ruột nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm giun
Đau bụng ở trẻ em cũng có thể do giun chui vào ống mật (GCOM), đặc biệt là sau khi tẩy giun, hoặc tẩy dung với liều lượng không đủ. Những cơn đau bụng có thể khiến trẻ lăn lộn, khóc thét, vã mồ hôi.
Tình trạng bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây áp-xe gan, sỏi đường dẫn mật hoặc tắc đường mật.
Bệnh sỏi đường tiết niệu
Trẻ cũng có thể bị sỏi đường tiết niệu gây ra hiện tượng đau bụng rất dữ dội, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị sỏi đường tiết niệu không nhiều. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể bị đau bụng do viêm đường tiết niệu làm xuất hiện những cơn đau bụng dưới. Bé gái bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn bé trai.
Do ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn có thể khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng, đôi khi phân có máu. Tình trạng ngộ độc có thể do vi sinh vật hoặc do hóa chất gây ra.
Xoắn u nang buồng trứng ở bé gái
Trẻ đau vùng bụng kèm theo nôn. Sờ nắn thấy một u ở vùng khung chậu - bụng.
Trẻ bị tổn thương tâm lý
Nếu trẻ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng vẫn có thể chịu được và hiện tượng này đã xảy ra trong một thời gian dài thì rất có thể chỉ là vấn đề tâm lý. Trẻ bị đau bụng tâm lý thường có các đặc điểm sau:
Trẻ thường kêu đau quặn bụng, vùng rốn vào buổi sáng hoặc bữa cơm trưa nhưng đến chiều thì hết.
Trẻ có thể đau từng đợt nhiều ngày rồi lại khỏi.
Tuy trẻ kêu bị đau bụng nhưng vẫn chơi tốt.
Khi đau bụng, trẻ có thể kém ăn hoặc kém ngủ.
Trẻ hay làm nũng, nhút nhát, muốn gần cha mẹ và ngại đến trường...