Trẻ mầm non trả thuế bữa ăn, các ông lớn 'quên' đóng thuế

15:31, Thứ hai 14/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Bữa ăn của trẻ mầm non tỉnh Bến Tre phải trả thuế 5-10%, trong khi đó, hai tập đoàn Nhà nước hàng đầu Việt Nam nợ thuế và bị truy thu.

Báo Tuổi trẻ phản ánh, theo quy định của Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, mọi khoản chi tiêu của nhà trường đều phải có hóa đơn bán hàng, kể cả tiền ăn của trẻ học bán trú do phụ huynh đóng. Vì vậy, khi mua gạo, rau, cá, thịt... thì phải lấy hóa đơn, do đó giá cao hơn thực tế. Những nơi không có hóa đơn để xuất thì nhà trường buộc phải “xén” trực tiếp 10% tiền ăn để mua hóa đơn.

Tiền ăn của trẻ mầm non bán trú trên địa bàn tỉnh Bến Tre dao động từ 12.000-16.000 đồng/ngày. Như vậy mỗi trẻ trung bình phải đóng thuế cho bữa ăn đó từ 600-1.600 đồng/ngày. Quy định này còn áp dụng đối với những xã nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Điều nghịch lý là trẻ học mầm non ở các địa phương này được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/em/tháng, nhưng vẫn phải trích ngược 10% để đóng thuế.

Một bữa ăn của trẻ tại Trường mầm non Tân Thủy, huyện Ba Tri. Bữa ăn của các cháu đều bị tính thuế - Ảnh: TTO

Giải thích về điều này, cô Phạm Thị Thành - hiệu trưởng Trường mầm non Bảo Thuận (huyện Ba Tri) - nói: “Người bán nói thẳng là nếu mua được thì mua, còn không thì thôi chứ đòi hóa đơn thì họ không rảnh để đi mua. Thà bán cho dân thường cho nhanh, khỏi hóa đơn phiền phức. Còn khi có chỗ đồng ý xuất hóa đơn thì phải chấp nhận để họ kê giá thực phẩm cao hơn giá thị trường để trừ vào 10% thuế đó. Số tiền chênh lệch này phụ huynh chịu. Cũng tội cho phụ huynh, nhưng quy định vậy thì không thể làm khác được”.

Còn cô Trần Thị Bé Năm - hiệu phó Trường mầm non Tân Thủy (huyện Ba Tri) - than thở: “Mặc dù đầu năm học nhà trường đã giải thích rất rõ việc tiền ăn của trẻ sẽ chịu thuế do chi xuất bằng hóa đơn đỏ, nhưng nhà trường thấy ngại lắm. Chính nhà trường cũng khó khăn vô cùng khi áp dụng hình thức thanh toán này. Không tiểu thương nào có hóa đơn để giao cho nhà trường cả, nên bắt buộc chúng tôi phải tự đứng ra mua hóa đơn rồi đến chi cục thuế huyện nhờ họ viết giùm”.

Như vậy, trẻ mầm non phải hai lần chịu thiệt, vừa chịu mức giá cao hơn bình thường vừa phải bớt khẩu phần ăn để mua hóa đơn báo cáo cho sở GD- ĐT.

Trong khi người dân chịu hàng trăm thứ thuế, ngay đến trẻ nhỏ cũng phải trích khẩu phần ăn của mình để đóng thuế thì hai tập đoàn Nhà nước hàng đầu Việt Nam mới đây lại nợ thuế và bị truy thu.

Thông tin từ Cục Hải quan Hà Giang cho biết, ngày 31/10/2012, EVN mở tờ khai nhập khẩu mặt hàng năng lượng điện tháng 9/2012 và quyết toán tiền điện từ tháng 5/2007 đến tháng 11/2010.

Số liệu tại bảng chốt công tơ giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, tổng lượng điện thực tế nhập khẩu tháng 9/2012 là hơn 74 triệu kWh. Mức giá khai báo là 0,0608 USD/kWh. Trị giá của lượng điện nhập khẩu trên là gần 4,5 triệu USD. Tuy nhiên, EVN khai chỉ còn hơn 65,5 triệu kWh với tổng trị giá mua điện chỉ còn hơn 3,9 triệu USD. Vì thế, số thuế mà EVN khai nộp cho hải quan bị thiếu hụt mất gần 1,2 tỷ đồng.

Theo giải trình của EVN, sản lương điện mua từ Trung Quốc giai đoạn trước chỉ là tạm tính. Sau đó hai bên tính lại cho kết quả thực tế thấp hơn 8,5 triệu kWh. 

Tuy nhiên, Hải quan Hà Giang không chấp nhận vì khi khai báo hải quan, việc chốt số liệu công tơ để tính sản lượng điện  mua từ Trung Quốc đều có sự chứng kiến và xác nhận của cơ quan hải quan, đã được thu đủ, thu đúng số thuế. EVN không hề thông báo trước với cơ quan hải quan rằng đây là sản lượng tạm tính. Trong khi đó, lượng điện giảm trừ này thực chất là của hợp đồng mua điện giai đoạn trước, ký từ năm 2006.

Vì thế, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Hà Giang phải căn cứ pháp luật thu đúng, thu đủ tiền thuế của EVN.

Đầu tháng 8 vừa qua, Cụ này đã quyết định xử phạt EVN vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đồng thời, ra quyết định truy thu số thuế chênh lệch còn thiếu với tổng trị giá 1.2 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu  tháng 6/2013, 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu truy thu gần 350 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng và Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 650 triệu đồng.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: