Vào ngày nắng nóng, dùng điều hòa nhiệt độ sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, điều này có thể khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Vì vậy, sử dụng điều hòa đúng cách sẽ giúp bạn "giảm nhiệt" cho hóa đơn điện.
Trên điều hòa, các nút thường được sử dụng nhất là On/Of (Tắt/Mở hoặc Power), nút tăng giảm nhiệt độ, nút điều chỉnh gió. Rất ít người chú ý đến nút Sleep.
Đây là một chế độ quan trọng mà các gia đình nên sử dụng bào ban đêm. Khi sử dụng nút này, chế độ Sleep (Chế độ ngủ đêm) sẽ thiết lập, giúp điều hòa hoạt động hiệu quả hơn và cân bằng nhiệt độ môi trường, đảm bảo bạn vừa có giấc ngủ thật ngon, không bị lạnh về đêm, lại vừa tiết kiệm điện.
Khi thiết lập chế độ Sleep, nhiệt độ phòng sẽ thay đổi phù hợp với nhiệt độ môi trường, giúp bạn không bị lạnh khi ngủ.
Khi sử dụng chế độ này, thông thường sau 30 phút hoặc 1 tiếng, nhiệt độ điều hòa sẽ tăng lên 1 độ C. Sau đó sẽ tiếp tục tăng 2 độ và duy trì nhiệt độ đó cho đến khi nào bạn tắt điều hòa.
Ví dụ, trước khi ngủ bạn để nhiệt độ điều hòa là 25 độ C. Sau 30 phút hoặc 1 tiếng, điều hòa sẽ tăng nhiệt độ lên 26 độ C. Khoảng 2 tiếng tiếp theo, điều hòa sẽ tự động tăng nhiệt độ lên mức 28 độ C. Như vậy, về ban đêm, nhiệt độ môi trường giảm xuống thì nhiệt độ điều hòa cũng được tự động điều chỉnh tăng lên, vừa giúp tiết kiệm điện vừa giúp bạn không bị lạnh quá khi ngủ.
Chế độ này giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Đặc biệt, nếu nhà có người lớn tuổi và trẻ nhỏ thì nên biết đến chế độ này.
Những lưu ý khi sử dụng điều hòa giúp tiết kiệm điện
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Sau bước khởi động máy, bạn không nên chọn nhiệt độ quá thấp cho điều hòa. Nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn.
Hãy duy trì nhiệt độ phòng ở mức hợp lý, đủ để bạn cảm thấy mát chứ không phải quá lạnh, điều này vừa giúp máy tiết kiệm điện, vừa bảo vệ sức khỏe cho bạn.
Chỉ nên đặt điều hòa ờ mức từ 25 - 27 độ C. Đây là mức nhiệt phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Ngoài ra, tại mức nhiệt này cường độ làm việc của máy sẽ giảm nên sẽ tiết kiệm điện hơn.
Tắt aptomat (công tắc nguồn) khi không sử dụng
Sau khi dùng điều hòa, bạn nên tắt aptomat thay vì chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa. Vì khi chỉ tắt bằng điều khiển, máy được đưa vào trạng thái chờ và vẫn có thể tiêu thụ một lượng điện nhất định.
Ngoài ra, nếu có ý định đi ra ngoài để làm việc gì đó, bạn có thể tắt điều hòa trước 30 phút để tiết kiệm điện.
Không đặt nhiệt độ quá thấp
Nhiệt độ điều hòa càng cao, càng giúp tiết kiệm điện. Bạn không cần phải giảm nhiệt độ điều hòa xuống dưới ngưỡng 20 độ C, thậm chí 15-16 độ C. Mức nhiệt độ này thường quá thấp và tạo ra sự chênh lệch lớn với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Nó có thể dẫn tới tình trạng sốc nhiệt khi bạn đi từ phòng điều hòa ra ngoài môi trường.
Nhiệt độ phù hợp trong nhà nên là 25-26 độ C. Nếu thời tiết mát mẻ và bạn không cảm thấy quá nóng thì có thể tăng nhiệt độ điều hòa lên vài độ nữa. Ban đêm nên để nhiệt độ điều hòa cao hơn ban ngày và sử dụng chế độ Sleep để tự điều chỉnh.
Không nên bật, tắt máy nhiều lần trong ngày
Nhiều người thường có thói quen khi phòng đã đủ độ lạnh thì tắt điều hòa đi cho đến khi cảm thấy nóng thì bật máy lên lại để tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, cách này hoàn toàn sai lầm, khiến máy tiêu thụ nhiều điện hơn vì phải khởi động và làm lạnh lại từ đầu. Hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.