Mặc dù là một cây cảnh có nguồn gốc từ các nước nam Mỹ như Argentina, Bolivia nhưng sau một thời gian du nhập đến Ấn Độ, Nepal… thì phượng tím dần thích nghi với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong môi trường tự nhiên, loại cây thân gỗ này có thể đạt đến chiều cao 20m. Tuy nhiên, bạn cũng có thể trồng phượng tím trong các chậu nhỏ và đặt trang trí trong phòng khách, phòng ngủ…
Lá cây phượng tím khá giống xương xỉ, các cành mềm mại rũ xuống và xanh tươi quanh năm. Các nhánh và cành của cây cảnh này cũng xoè ra với chiều dài lên đến 7m. Trong khi đó, hoa phượng tím có dạng hình chuông, mọc thành các chùm dài từ 3 đến 5cm. Thông thường, hoa cây cảnh này nở vào mùa đông, kéo dài đến mùa xuân và mỗi bông thường tàn sau khi nở khoảng 5 ngày.
Khi nhắc đến phượng tím, bạn sẽ nghĩ ngay đến loài hoa tượng trưng cho tình yêu thuỷ chung, son sắc. Các cặp đôi có thể cùng nắm tay nhau để vượt qua khó khăn cuộc sống. Bên cạnh đó, màu sắc cũng như mùi thơm của phượng tím mang đến cho chúng ta cảm giác bình yên, dễ chịu. Trong phong thuỷ, người ta cho rằng chỉ cần trồng một chậu cây phượng tím trong phòng khách thì gia chủ làm gì cũng thuận buồm xuôi gió, vận rủi đi qua, vận may ùa đến.
Cách trồng và chăm sóc phượng tím
Để trồng cây cảnh này, bạn có thể sử dụng hai phương pháp chính là giâm cành và gieo hạt.
Trong trường hợp gieo hạt, nên chọn hạt của những cây phượng tím già để phát triển ổn định hơn. Đầu tiên, cần ngâm hạt khoảng 36 đến 40 tiếng với nước sạch rồi vớt ra và lau khô. Tiếp đó, mang trộn với cát rồi gieo xuống đất, phủ lên trên một lớp đất, cát mỏng và dùng rơm rạ che lại.
Nếu muốn sử dụng phương pháp giâm cành để trồng phượng tím, bạn nên chọn những cành bánh tẻ và cắt một đoạn dài khoảng 20 cm. Tiếp đó, mang cắm vào chậu và đặt bầu đất ở những nơi có ánh sáng vừa phải. 15 ngày đầu tiên, nên thường xuyên tưới nước để cung cấp độ ẩm cho cây và chờ cành giâm dần bén rễ.
Những lưu ý khi chăm sóc phượng tím
- Nếu trồng phượng tím trong chậu, bạn nên chọn những loại chậu có lỗ thoát nước và cần sử dụng loại đất tơi xốp, thoáng khí. Hàng năm nên thay đất và chậu một lần vì cây càng lớn, kích thước cũng như hệ thống rễ dần thay đổi.
- Phượng tím là cây cảnh ưa sáng nên bạn cần đặt chậu cây ở những nơi nhiều nắng. Trong trường hợp đặt chậu trong nhà, nên chú ý đến những vị trí như cạnh cửa sổ, ban công… để cây có thể nhận ánh sáng mặt trời từ 6 đến 8 tiếng. Chỉ khi có đủ ánh sáng, phượng tím mới phát triển khoẻ mạnh, cành lá xanh tươi và nở nhiều hoa.
- Sau khi cây đã phát triển ổn định, bạn không nên tưới quá nhiều nước mà chờ đến khi đất khô rồi tưới. Chỉ nên tưới nước ở gốc cây và tránh phun sương vì nếu bị đọng nước ở nách lá, cây có thể mắc phải nhiều sâu bệnh.
- Trong quá trình trồng và chăm sóc phượng tím, bạn nên bón phân hỗn hợp cho cây một lần mỗi tháng và thường xuyên tỉa bỏ những cành già, rậm rạp…