Đặc điểm của cây chanh
Cây chanh nhỏ nhẵn hay có gai, gai dài 35 mm, búp non có màu đỏ. Lá hình trứng hay hình trứng dài, dài 5,5 - 11cm, rộng 3,5 - 6cm, mép có răng cưa. Hoa màu trắng, hơi tím nhạt hay đỏ tím, mọc đơn độc hay từng chùm.
Cây chanh là một trong những cây cho quả nhưng có thể trồng trong chậu, rất thích hợp với những ngôi nhà phố. Bất cứ nhà nào cũng có thể trồng một chậu chanh nhỏ mà vẫn sai lá sai hoa.
Khi chanh ra hoa hương thơm thoang thoảng tạo không gian sự thư thái. Khi chanh đậu quả mang vẻ đẹp lúc lỉu và tài lộc. Lá chanh, quả chanh hoa chanh, cành chanh đều là những gia vị và vị thuốc quý cần thiết dùng mỗi ngày.
Cây chanh là cây ưa sáng nên bạn nên trồng chúng ở ban công, trước nhà, khu vực sân thượng nơi có nhiều ánh sáng. Nếu trồng trong nhà thì trồng ở gần cửa và thường xuyên cho cây tắm nắng để cây ra quả.
Ý nghĩa phong thủy của cây chanh
Theo phong thủy, nếu trong nhà xác định trồng chanh ở hướng Đông Nam sẽ giúp mang lại tiền tài và sung túc cho gia chủ vì đây là hướng của sự giàu có, thịnh vượng. Nếu cây càng sai hoa kết trái, càng mang lại nhiều may mắn, đại cát, đại lợi.
Chanh mang ý nghĩa phong thủy tốt lành cho gia chủ. Trái chanh tròn lúc lỉu tượng trưng cho sự đông con cháu, tài lộc sum vầy, viên mãn tròn đầy. Cây chanh giúp mang lại vượng khí cho gia đình, con cháu đầy đàn đông đủ hạnh phúc.
Trồng chanh còn mang lại hương thơm thư giãn tăng cường sức khỏe bảo vệ gia chủ. Mỗi ngày một cốc nước chanh còn quý hơn thần dược vì giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, bồi bổ tăng cường miễn dịch.
Tác dụng của cây chanh trong đời sống
Lá chanh, quả chanh là những thứ gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam. Chúng cũng là vị thuốc quý khi bị ho, mụn nhọt, viêm họng...
Theo y học cổ truyền, lá chanh có vị đắng the, mùi thơm, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực. Quả có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.
Tùy theo bộ phận dùng, chanh có:
Dịch chanh: Vào những ngày trời nắng, dịch quả chanh được dùng đề pha nước uống giúp giải khát. Khi dùng 30 - 120g một ngày pha thành nước ngọt uống có tác dụng thông tiểu tiện, chữa bệnh tê thấp, hay bệnh thiếu vitamin C ở người lớn và trẻ em, làm mượt tóc...
Múi chanh: Ngậm chung với muối ăn giúp chữa ho viêm họng.
Lá và ngọn chanh: Khi bị cảm cúm, người dân thường lấy lá đem xông chung với các loại thảo dược khác để ra mồ hôi giúp giải cảm; Khi trẻ em bị bí tiểu, chướng bụng, lấy lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn.
Trong thực phẩm, lá chanh thái nhỏ làm gia vị ăn với thịt gà, ốc, quả chanh dùng pha nước chấm, tăng hương vị cho phở, làm đậm đà thêm nước rau luộc. Chanh còn là một nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.
Rễ chanh: Hàng ngày, lấy khoảng 6 -12 g rễ chanh đem sắc riêng hoặc phối hợp với rễ cây râu tằm có tác dụng chữa ho.
Tinh dầu chanh và tinh dầu lá chanh: Tinh dầu có mùi thơm dễ chịu, được dùng để làm thuốc bột hoặc thuốc ngậm, làm dầu gội đầu, xông phòng.
Vỏ thân cây chanh: Được dùng là thuốc bổ đắng kích thích tiêu hoá. Ngày uống 4 - 10g dưới dạng thuốc sắc.
Hạt quả chanh: Có người dùng làm thuốc tẩy giun.