Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp khi mất việc, với mức hưởng và thời gian nhận phụ thuộc vào quá trình đóng bảo hiểm.
Thời gian hưởng tối đa 12 tháng
Thời gian hưởng trợ cấp được tính theo số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể, nếu đóng đủ từ 12 đến 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp. Cứ mỗi 12 tháng đóng thêm, sẽ được hưởng thêm 1 tháng và thời gian hưởng tối đa là 12 tháng.

Mức hưởng tối đa gấp 5 lần lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Tuy nhiên, mức trợ cấp không vượt quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động hưởng lương theo chế độ Nhà nước, không vượt 5 lần mức lương tối thiểu vùng (đối với người lao động trong doanh nghiệp).
Người lao động sẽ bắt đầu nhận trợ cấp từ ngày thứ 16 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm.
Mức trợ cấp tối đa năm 2025 là bao nhiêu?
Căn cứ lương cơ sở và lương tối thiểu vùng hiện hành, mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất năm 2025 được xác định như sau:
Đối với cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang:
Lương cơ sở: 2.340.000 đồng/tháng
Mức trợ cấp tối đa: 5 × 2.340.000 = 11.700.000 đồng/tháng
Đối với người lao động hưởng lương theo vùng:
Vùng 1: 5 × 4.960.000 = 24.800.000 đồng/tháng
Vùng 2: 5 × 4.410.000 = 22.050.000 đồng/tháng
Vùng 3: 5 × 3.860.000 = 19.300.000 đồng/tháng
Vùng 4: 5 × 3.450.000 = 17.250.000 đồng/tháng
Lưu ý: Mức lương tối thiểu vùng được xác định theo địa bàn làm việc trước khi người lao động nghỉ việc.
Hưởng thêm bảo hiểm y tế
Trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.
Chính sách trợ cấp thất nghiệp góp phần hỗ trợ người lao động trong thời gian tìm việc mới, nhất là những người có thời gian tham gia BHXH dài hạn như viên chức và lực lượng vũ trang.