Dư luận đang chấn động về việc một thai phụ ôm đứa con trai hơn 2 tuổi tự tử trên sông Lô đầu tháng 9. Người phụ nữ tự tử là một người chuẩn bị bước sang tuổi 30, tuổi bắt đầu trong ứng xử chín chắn của con người, nhất là đối với phụ nữ.
Chị ôm đứa con đẹp như trong tranh để chết là một cách trừng phạt những người sống. Bản thân chị, khi đã kết thúc cuộc sống, không biết có nhẹ nhàng hơn không? Tôi vẫn tin triết lý nhà Phật: Khi nhắm mắt xuôi tay, tâm mình phải thật thanh thản thì hồn mới siêu thoát dễ dàng được. Đó là tôi lo xa.
Tôi cũng là một nàng dâu, hơn người phụ nữ kia 3 tuổi. Nói thật, cuộc sống ở nhà chồng, nhất là sống chung với bố mẹ chồng và em chồng thật không dễ chịu chút nào. Những thói quen sinh hoạt rất bình thường của tôi ở nhà trở thành xa lạ đối với nhà chồng.
Tôi có cảm giác mọi người trong gia đình nhà chồng đều đang soi mói mình tôi và tôi thực sự không tìm được đồng mình ở đây, kể cả chồng tôi. Tôi hơi lo lắng và bắt đầu “ủ mưu” để đối phó với sự khó chịu kia.
Lúc yêu nhau, chồng tôi ra điều kiện: Em chỉ cần biết cách ứng xử với bố mẹ anh là anh mãn nguyện rồi. Tôi rât tự tin vào bản thân vì tôi sống rất hài hòa với những người xung quanh. Nhưng khi sống chung với bố mẹ chồng, mọi niềm tin bắt đầu sụp đổ.
Các cụ tổng kết về mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cấm có sai. Ai đó bảo cứ coi mẹ chồng như mẹ đẻ, tôi thấy nếu mới lập gia đình mà nói coi mẹ chồng nư mẹ đẻ thì… hơi vô lý. Mẹ chồng và con dâu là hai người xa lạ.
Mẹ chồng kỳ vọng con dâu một kiểu; con dâu kỳ vọng cuộc sống gia đình một kiểu. Thành ra, ban đầu mọi người sẽ hụt hẫng về nhau. Nhiều bà mẹ chồng ghê gớm khiến con dâu phát sợ.
Có những thứ khó chịu lặt vặt ban đầu tôi vẫn nhớ. Như việc tôi thấy chồng tôi chỉ là một người đàn ông không có gì quá giỏi giang. Nhưng đối với mẹ chồng tôi, ông xã tôi là niềm tự hào của cả dòng họ. Vốn tính cũng thẳng thắn, tôi đã chế giễu chồng tôi về việc đó.
Rồi mẹ chồng tôi bắt đầu chê tôi cách chăm sóc chồng. Bà nói tôi không hiểu chồng và rất hay “soi” câu chuyện vợ chồng tôi. Lúc chồng tôi giúp vợ làm việc nhà, bà bắt đầu can thiệp bóng gió. Lúc tôi nấu ăn, bà “khéo léo” nói cái này không được, cái kia chưa được.
Nhưng nói thật, “gout” thẩm định món ăn của mẹ chồng tôi cũng làm tôi không phục. Tôi từng nấu ăn cho bạn bè ăn nhiều, không ai chê tôi nấu ăn, có mẹ chồng tôi chê tôi.
Có lần, khi tôi cắt tóc, để đầu tomboy. Ai cũng khen đầu mới của tôi cá tính, thậm chí chồng tôi cũng khen vợ để tóc hợp khi đón vợ đi làm về cùng. Tôi đang hí hửng với nhiều niềm vui trong ngày, được ngày hôm sau đi làm về, mẹ chồng gọi ra nói nhỏ: “Mẹ nói thật, mày đừng tự ái, chỉ vì mẹ lo cho mày thôi. Mẹ đi ra đường người ta bảo con dâu bà để tóc tai như con điên ấy. Ở đây có em dâu, có hàng xóm, con đừng làm gì quá làm mọi người đánh giá”.
Nói thật, tôi tức sôi máu lên. Trong đầu tôi nghĩ: Chẳng có hàng xóm nào nói với mẹ hết, chỉ có mẹ không thích thì mẹ mượn cớ nói thế. Con sống có tự do của con, mẹ đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con đấy! Rất may, tôi đã không bật lại mẹ chồng, chỉ im lặng và cằn nhằn với chồng. Chồng tôi thì coi như… không nghe thấy tôi ca thán điều gì.
Có một thời gian dài, tôi đã phải nói chuyện với đồng nghiệp để xả những chuyện lặt vặt giữa mẹ chồng và con dâu. Rồi bỗng một ngày, tôi đi làm về, thấy mẹ chồng lọ mọ dọn phòng cho vợ chồng tôi (thường trong phòng vợ chồng tôi, chúng tôi bày bừa sách vở, đồ dùng, quần áo), tôi giật mình. Tôi định bảo mẹ tôi không nên vào phòng của tôi, nhưng tôi kiềm chế được. Tôi bỗng nhớ tới hình ảnh của mẹ mình. Tôi nhớ mẹ đẻ mình tuần nào cũng vào phòng dọn dẹp cho tôi.
Tôi bỗng suy nghĩ cả quá trình tôi sống chung với mẹ chồng. Thực ra, nếu để mẹ đẻ ra chồng mà không nói gì đến mình thì cuộc sống gia đình đúng là bi kịch. Tôi cân nhắc: Mẹ nói không đúng, nhưng mình cũng chẳng cần phải khó chịu. Khi mình khó chịu, người thiệt đầu tiên là bản thân mình.
Tôi quyết định điều chỉnh thái độ sống với mẹ chồng. Thay vì khó chịu, xị mặt mỗi khi mẹ chồng nói, tôi cứ cười “ngây ngô” khi bị mắng, nhắc nhở. Mẹ chồng tôi nhắc nhở, nói chán thì cũng phải chịu thua. Tính trây ì của tôi chuyển từ dạng chống đối sang công nhận nhưng không… sửa đổi. Đơn giản muốn sửa đổi thì cần phải thời gian thích nghi rất dài.
Dần dần mẹ chồng tôi bớt ca thán về tôi hơn, mặc dù tôi vẫn là một đứa con dâu như vậy, thậm chí còn “bựa” hơn ngày đầu về làm dâu. Và cũng dần dần, tôi không thấy việc mẹ chồng mắng là một điều khó chịu. Tôi chuyển từ thái độ đối phó sang thái độ vui vẻ thật sự. Tôi chẳng cần nịnh mẹ chồng trên các trang mạng hoặc đâu đó để nói về mớ lý thuyết mẹ chồng nàng dâu, tôi nói cảm giác thật của mình. Mẹ chồng ghê gớm thì đó là chuyện của mẹ chồng.
Thực ra, có nhiều lúc tôi cũng thấy muốn cãi mẹ chồng tôi và lắm lúc khó chịu vô cùng. Nhưng tôi đã dùng phương pháp: Không nghĩ quá nhiều những chuyện nhỏ nhặt. Mà dần dần, quen nếp sống của nhau, mọi người đỡ “soi mói” nhau hơn. Bản thân mình tỏ thái độ cởi mở trước thì mình sẽ nhận lại sự cởi mở từ tất cả thành viên trong gia đình, không riêng gì mẹ chồng. Đây là thực tế, không hề lý thuyết suông.
Để thích nghi cuộc sống chung, ngay cả vợ chồng còn khó khăn, huống chi mẹ chồng nàng dâu. Chúng ta luôn có những định kiến về nhau. Nhưng vượt qua được những định kiến, cuộc sống của chúng ta sẽ thỏai mái. Việc yêu quý mẹ chồng không phải hô khẩu hiệu hay làm vì chồng là được. Chúng ta làm vì chúng ta, vì cuộc sống thỏa mái hơn.
Cuộc sống vợ chồng không thể tách mẹ chồng ra khỏi được, vì đó là người đẻ ra chồng, nuôi và dạy chồng mình. Bảo một người con trai bênh vợ, cãi mẹ chồng thì người chồng đó cũng vứt đi. Có nhiều mẹ chồng quá đáng, nhưng có quá đến mức nào thì cũng là một người mẹ. Bài toán mẹ chồng – nàng dâu sẽ do tùy mỗi người giải sẽ có đáp số riêng của mình.
Tốt xấu là do bản thân mình thôi! Nhưng dù có chuyện gì thì tính mạng của mình và con cái cũng là điều quan trọng, không nghĩ đến mình thì phải nghĩ đến những người sinh thành ra mình. Chết không chắc đã là cách giải quyết duy nhất...