Vì sao bạn bị chứng đau cứng cổ buổi sáng?
Có nhiều nguyên nhân gây cứng khớp cổ khi ngủ dậy buổi sáng, đó có thể là do bệnh lý xương khớp hay thần kinh nhưng cũng có thể chỉ do ngủ sai tư thế. Tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra sự khó chịu này sẽ sớm khắc phục được cơn đau cứng khớp cổ xuất hiện vào mỗi sáng.
- Sử dụng gối không phù hợp: Sử dụng gối không phù hợp có thể khiến bạn ngủ không ngon giấc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến khớp cổ. Nếu nằm gối quá cao hoặc quá thấp sẽ khiến cho khớp cổ bị sai lệch về phía trước hoặc phía sau và cơn đau cứng khớp cổ có thể xuất hiện vào sáng hôm sau lúc ngủ dậy.
- Ngủ sai tư thế: Ngủ sai tư thế cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cơ xương khớp sau khi ngủ dậy. Đặc biệt, khi ngủ ở tư thế nằm sấp thì đầu phải nghiêng sang một bên để thở. Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến khớp cổ.
- Thoái hóa khớp cổ: Ở những người lớn tuổi, thoái hóa khớp cổ có thể tiến triển thành thoái hóa đốt sống cổ, gây ra các triệu chứng như cứng khớp cổ, đau cổ và vùng vai gáy, đau cánh tay, tê tay chân sau khi ngủ dậy.
- Chèn ép dây thần kinh: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là nguyên nhân khiến cho các dây thần kinh ở vùng cổ bị chèn ép và gây đau, cứng khớp cổ.
- Co thắt cơ, căng thẳng cơ: Co thắt cơ, căng thẳng cơ ở cổ có thể khiến cơ khớp cổ bị cứng. Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng cơ và khiến cơ bị áp lực, ví dụ như khi bị căng thẳng. Những trạng thái này có thể gây ra cơn đau ở cổ.
- Đau xơ cơ: Bệnh đau xơ cơ là chứng rối loạn các khớp gây đau nhức cơ bắp, có thể gây cứng khớp cổ khi ngủ dậy.
- Viêm màng não: Cứng cổ là một trong những triệu chứng của viêm màng não khi cột sống và não tủy bị tổn thương. Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
- Căng thẳng kéo dài: Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau cổ sau khi ngủ dậy ở nhiều người bởi các cơ co cứng, không được thả lỏng trong thời gian dài dẫn đến mỏi cơ.
Khắc phục chứng đau cứng cổ buổi sáng
Chứng đau cứng cổ buổi sáng có thể được khắc phục nếu xác định được chính xác nguyên nhân gây ra. Một số cách có thể giúp làm giảm cơn đau cứng cổ có thể tham khảo như:
- Kéo giãn cơ bắp vùng cổ: Khi bạn có kế hoạch kéo giãn bất kỳ cơ bắp nào trong cơ thể, bạn nên làm ấm nó lên trước khi thực hiện các thao tác kéo giãn, bao gồm cơ vùng cổ. Chườm khăn nóng hoặc tắm nước nóng trước khi bắt đầu. Các động tác kéo giãn cổ bao gồm:
- Quay đầu từ từ sang bên phải: Sử dụng tay phải của bạn để gây áp lực nhẹ trên cằm của bạn, nhẹ nhàng đẩy đầu của bạn để di chuyển nhiều hơn một chút. Giữ tư thế này trong 15-20 giây và sau đó từ từ di chuyển đầu của bạn trở lại điểm bắt đầu. Lặp lại, lần này từ từ sang bên trái.
- Gập đầu cho đến khi cằm chạm vào ngực của bạn: Nếu bạn không thể đẩy cằm của bạn chạm đến ngực, chỉ cần gần ngực nhất có thể. Hãy chắc chắn rằng vai của bạn được thư giãn khi bạn làm động tác này. Giữ trong 15-20 giây. Lặp lại một lần nữa.
- Nghiêng sang bên phải, cố gắng chạm tai phải của mình lên vai phải của bạn. Đừng nhấc vai về phía đầu, để đầu di chuyển dần về phía vai. Sử dụng tay phải của bạn, nhẹ nhàng đẩy vào vùng thái dương của bạn để gây áp lực. Giữ tư thế này trong 20 giây. Lặp lại ở phía bên trái.
- Nằm xuống trên lưng của bạn (nằm ngửa) với một chiếc gối hỗ trợ đầu và cổ của bạn. Nhẹ nhàng gật đầu, giữ như thế này trong 15 giây. Ngẩng lên và hạ thấp đầu xuống phía lưng và thư giãn. Lặp lại 8-10 lần.
Đau cứng cổ không quay đầu được có nguy hiểm?
Đau cứng cổ khi ngủ dậy có rất nhiều nguyên nhân, do đó để trả lời chính xác đau cứng cổ không quay đầu được có nguy hiểm không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, nếu cơn đau ở mức độ nhẹ với tần suất vừa phải, đau do nguyên nhân cơ học thì bạn không nên quá lo lắng. Lúc này, người bệnh chỉ cần thay đổi những thói quen, xây dựng chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý là những cơn đau cổ sẽ biến mất.
Trong trường hợp, bạn thường xuyên gặp phải những cơn đau cổ kèm theo những triệu chứng bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm. Bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh nguy hiểm mà bạn không nên bỏ qua. Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp rút ngắn thời gian cũng như chi phí cho người bệnh, từ đó những cơn đau sẽ được cải thiện nhanh chóng.