Vàng tặc bắt tay lâm tặc triệt hạ rừng nguyên sinh

( PHUNUTODAY ) - Cuối năm, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng, những cánh rừng bị tàn phá để mở đường vào bãi vàng; sông, suối bị đào bớt nham nhở. Đây là thực trạng báo động đang tái diễn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi.


(Phunutoday) - Trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần triển khai lực lượng liên ngành để ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên sự việc dường như “đâu lại vào đấy”. Thời điểm cuối năm, những cánh rừng càng bị tàn phá để mở đường vào bãi vàng khai thác trái phép; sông, suối bị đào bớt nham nhở.
[links()]

Xuyên rừng độc đạo

Chúng tôi có mặt tại xã Trà Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam) vào một ngày đầu tháng 1-2012. Những ngày giữa đông, cái rét và sương mù giăng khắp núi đồi. Tuy đã 8 giờ sáng nhưng trời vẫn còn âm u đầy sương. Đợi đến 9 giờ, chúng tôi bắt đầu rời trung tâm xã Trà Ka để lên đường. Được biết từ trung tâm xã vào các thôn 3, 4 chỉ có thể cuốc bộ hoặc đi bằng xe min. Tuy nhiên, trời mùa này đường lầy lội, xe không thể vào được, và nếu đi chỉ đến được khu dân cư các thôn, còn đi tiếp vào rừng chỉ có cách lội bộ. Mặt dù, chúng tôi đã nhiều lần năn nỉ cánh xe ôm bảng địa với giá cao để đi được đoạn nào hay đoạn đó, thế nhưng không một lái xe nào nhận lời chúng tôi. Thường ở những bãi vàng, cánh xe ôm có mối quan hệ mật thiết với các tay chủ bãi. Chắc có lẽ họ đoán được mục đích chuyến đi của chúng tôi nên không ai nhận lời dù giá chúng tôi đưa ra không thấp.

Đường vào thôn 3, xã Trà Ka bị xe vàng tặc băm nát.
Đường vào thôn 3, xã Trà Ka bị xe vàng tặc băm nát.

Xe ô tô không vào được, xe ôm cũng bó tay, chúng tôi đành cuốc bộ vào trong. Đó là khu vực sông Lon-giáp ranh giữa huyện Bắc Trà My và huyện Tây Trà (Quảng Ngãi). Do không rành đường, chúng tôi nhờ anh Đ.- một người dân bản địa dẫn vào. Theo như anh Đ. thì từ trung tâm xã đi bộ vào đến nơi mất khoảng 2 giờ đồng hồ, với quãng đường gần 20 km. Nghe vậy, anh đồng nghiệp đi cùng hớn hở: Vậy có nhằm nhò gì, mình đi vào đến qua trưa sẽ có mặt lại ngoài này thôi. Không chút suy tính, đoàn chúng tôi gồm 4 người bắt đầu cuốc bộ theo sau anh dẫn đường. Con đường đèo dốc đầy lầy lội do ngày đêm bị các đàn xe múc cày xới, càng làm cho cuộc hành trình càng thêm khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm “vào hang mới bắt được cọp”, chúng tôi cố động viên nhau cố gắng …

Từ trung tâm xã lội bộ khoảng 5 km là đến trung tâm khu vực thôn 3, nơi đa số là đồng bào người Ca Dong sinh sống bao đời nay. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn do cách trở về giao thông cũng như phương thức sản xuất còn lạc hậu. Từ đây có hai con đường để đi, một rẽ về thôn 4, một đi thẳng theo con đường độc đạo mới mở để vào bãi vàng.

 
Những cây gỗ 2,3 người ôm bị triệt hạ
Những cây gỗ 2,3 người ôm bị triệt hạ

Anh H., một thanh niên bản địa đang ngồi bên quán nước cho biết: “Đường từ đây vào trong đó còn xa lắm, mấy hôm nay trời hay mưa chiều, các anh tranh thủ đi để ra sớm nếu không phải ngủ lại giữa rừng đấy”. Khi được hỏi con đường này được ai mở, anh H. cho biết thêm: Đường này được xã cho phép ông Q, ông Đ, mở vào tận sông Lon, họ mở từ đầu năm kia, chủ yếu là dùng xe múc để mở đường. Hằng ngày họ cũng dùng xe múc vận chuyển lương thực, máy móc, xăng dầu vào. Thế bà con mình được lợi ích gì từ con đường này không?, chúng tôi hỏi tiếp, “Lợi ích gì đâu, chỉ có con bò, con trâu đi ăn đi trên con đường đó thôi, bà con mình trong đó cũng không có nương rẫy gì mà đi vào. Trong đó xa quá, mình chưa vào nên cũng chưa biết, nhưng nghe đâu mấy ông đó mở đường để vào khai thác vàng chui”, anh H. cho biết.

Vàng tặc “bắt tay” lâm tặc

Chúng tôi đi thẳng theo con đường mới mở để vào khu vực sông Lon, giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi-nơi nhiều tháng qua theo phản ánh của người dân tình trạng khai thác vàng đang diễn ra phức tạp. Trên con đường đèo dốc mới mở đầy lầy lội, những cây cổ thụ của rừng già bị đón hạ ngổn ngang.

Bên cạnh việc phá rừng để mở đường vào bãi vàng, những đối tượng này đã đốn hạ hàng trăm cây gỗ với đường kính 2, 3 người ôm để xẻ gỗ ngay hiện trường. Trên đường đi, chúng tôi phát hiện hai cây chò to như thùng phuy nằm vắt ngang con suối bên đường. Thân cây được cưa ra từng đoạn 2,5 mét, dấu cưa trên thân cây vẫn còn đang chảy mủ. Chúng tôi vội lấy máy ảnh ra để ghi hình vì sợ bỏ qua một cảnh tượng “nóng”, song anh Đ, cho biết: Chỗ này có nhằm nhò chi, chút nữa vô trong kia cây cối, gỗ ván nằm như bãi chiến trường các anh tha hồ mà chụp ảnh.

 
Những bãi gỗ ngay ven đường như những xưởng cưa lớn
Những bãi gỗ ngay ven đường như những xưởng cưa lớn

Quả đúng như vậy, khi đi qua khỏi một nhà dân (nhà này anh Đ. cho biết là nhà của ông Hồ Văn Trần – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka) một đoạn, chúng tôi cứ ngỡ như đang lọt vào một xưởng cưa. Nơi đây hàng trăm cây lớn nhỏ nằm la liệt, bên cạnh những tấm gỗ được cưa ra quy cách, những thân cây gõ 3 người ôm không xuể ước chừng trên 10 khối gỗ được cưa từng đoạn ngắn nằm ngay bên đường như trêu ngươi. Tại địa điểm này, ước tính gần 100 m3 gỗ đã được xẻ ra quy cách nhưng chưa kịp vận chuyển ra.
Theo anh Đ. do thời điểm này trời hay mưa, đường còn lầy lội nên việc vận chuyển khó khăn, số gỗ này mới tồn lại đây. “Theo tôi được biết, ra Tết, trời trở nên nắng ráo thì họ mới vận chuyển hết số gỗ này ra. Hàng loạt những cây gỗ to đang đứng hai bên đường rồi sẽ bị họ khai thác dần theo kiểu “tận dụng”, anh Đ. cho biết thêm.

 
Những thân gỗ to bị “nhổ” gốc năm ngổn ngang bên đường.
Những thân gỗ to bị “nhổ” gốc nằm ngổn ngang bên đường.

Theo quan sát của chúng tôi, những thân cây gỗ quý như lim, sến, dỗi, chò, gõ… vừa được hạ xuống tạo thành bãi, dấu vết xe kéo gỗ vẫn còn in hằn trên mặt đất ướt. Còn phía bên kia, những đống gỗ thành phẩm vừa được xẻ xong còn rí nhựa chưa được chuyển ra ngoài. Để xẻ ra được hàng đống phách gỗ trên, lâm tặc phải dựng lều bạt, mang lương thực thực phẩm và nhiều phương tiện hành nghề khác vào phục vụ. Công việc trên không phải một vài ngày mà kéo dài hàng tháng trời mới xong. Chẳng lẽ chính quyền địa phương không biết. Điều đặc biệt là một trong những bãi gỗ lớn nhất bị triệt hạ chỉ cách nhà ông Phó Chủ tịch xã Trà Ka hơn 1 km (?).

Qua điều tra và tiếp xúc những người dân tại địa phương, chúng tôi thấy họ vô cùng bức xúc trước tình trạng trên. Bởi theo họ, con đường dân sinh từ trung tâm xã Trà Ka về thôn 3 và thôn 4 đã được nhà nước đầu tư xây dựng. Còn con đường từ thôn 3 vào sông Lon dài hơn 10 km thực chất là con đường phục vụ cho việc khai thác vàng. Rừng nguyên sinh đã bị tàn phá không thương tiếc, hàng trăm khối gỗ quý đã được lâm tặc lấy đi…

Để lại phía sau những cánh rừng bị tàn phá, chúng tôi tiếp tục băng rừng lội suối theo hướng sông Lon. Phía trước liên tiếp là những con dốc thẳng đứng, muốn vượt qua, chúng tôi phải tìm cho mình mỗi người một “chiếc gậy Trường Sơn” mới có thể bám đi lên những đồi dốc đầy trơn trợt. Trên đường đi chúng tôi không thể đếm hết được đã qua bao nhiêu ngọn đồi, bao nhiêu con khe, con suối, chỉ biết là cuộc hành trình từ trung tâm xã Trà Ka vào đến khu vực dòng sông Lon mất 4 tiếng đồng hồ…

  • Phương Dung
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn