Vì sao dân gian truyền lại câu "sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ", và lời khuyên này có đúng không? Việc lựa chọn thời điểm mua thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo bữa ăn an toàn, chất lượng cho gia đình. Các bà nội trợ thường chú ý đến thời gian mua sắm hợp lý để đảm bảo thực phẩm tươi ngon nhất.
Câu nói "sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ" là một kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác trong dân gian, nhắc nhở về thời điểm thích hợp để chọn mua những thực phẩm này.
Tại sao nên tránh mua thịt lợn vào buổi sáng và đậu phụ vào buổi tối?
Trong quá khứ, khi nền kinh tế còn khó khăn, thịt lợn là một loại thực phẩm khá đắt đỏ. Nhiều gia đình chỉ mua thịt vài lần trong tháng. Do đó, những người bán thịt thường gom thịt còn lại vào cuối ngày để bán tiếp vào hôm sau. Với công nghệ bảo quản còn hạn chế, thịt để qua đêm, ngay cả trong mùa lạnh, thường sẽ bị ôi thiu.
Vì vậy, nếu đi chợ quá sớm, khi trời còn tối, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua phải thịt tồn từ hôm trước, được "tân trang" lại hoặc bị tráo đổi. Ngày nay, hầu hết các gia đình có điều kiện mua thịt hàng ngày, nhưng tình trạng thịt không bán hết vào cuối ngày vẫn diễn ra.
Nhiều cửa hàng vẫn trộn lẫn thịt cũ với thịt mới để bán vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, kinh nghiệm "sớm không mua thịt lợn" không còn giá trị như trước, vì thịt cũ giờ được bảo quản trong tủ lạnh hoặc cấp đông để bán tiếp vào buổi sáng. Để đảm bảo không mua phải thịt cũ, người tiêu dùng cần biết cách phân biệt giữa thịt mới và thịt cũ, bất kể là đi chợ hay siêu thị vào buổi sáng hay chiều.
Còn về câu nói "muộn không mua đậu phụ", điều này xuất phát từ quy trình sản xuất đậu phụ. Người bán thường phải thức dậy từ sáng sớm để làm đậu, vì với dụng cụ và kỹ thuật thủ công, họ khó có thể sản xuất nhiều mẻ đậu trong ngày. Do đó, nếu mua đậu vào buổi sáng, khách hàng sẽ nhận được những miếng đậu tươi ngon.
Ngược lại, nếu mua vào buổi chiều, họ có thể sẽ nhận những miếng đậu cũ, để ở nhiệt độ thường suốt cả ngày, thậm chí đã chua hoặc thiu, đặc biệt trong thời tiết oi bức mùa hè. Chính vì vậy, kinh nghiệm không mua đậu vào buổi chiều muộn được hình thành.
Lời khuyên "sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ" xuất phát từ kinh nghiệm của các bà nội trợ ngày xưa, khi sản xuất còn hạn chế và chợ không đông đúc như hiện nay. Ngày nay, chợ truyền thống phải cạnh tranh với siêu thị về giá cả và chất lượng. Quá trình giết mổ và sản xuất đậu cũng diễn ra nhanh hơn, giúp cung cấp hàng hóa liên tục trong ngày.
Vì vậy, cho dù bạn đi chợ vào buổi sáng hay chiều muộn, vẫn có thể tìm thấy thịt tươi và đậu phụ mới. Dù hàng cũ vẫn có thể xuất hiện, bạn có thể học cách nhận diện để tránh mua nhầm.
Cách chọn thịt lợn ngon
Để lựa chọn thịt lợn ngon, bạn hãy ấn nhẹ ngón tay vào phần thịt. Nếu không để lại vết lõm và không bị dính tay, đó là thịt tươi. Khi mua thịt ở siêu thị, hãy chọn những miếng thịt khô ráo, không có nước rỉ ra từ khay hoặc bao bì. Thịt cũng không nên quá mềm khi được bảo quản trong ngăn lạnh.
Ngoài ra, bạn có thể dựa vào màu sắc để chọn miếng thịt ngon nhất. Nếu lớp màng bên ngoài khô và có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, đó là dấu hiệu của thịt tươi. Trái lại, thịt ôi thiu thường có màu nâu, xám, đỏ thâm hoặc xanh nhạt.
Đường vân chất béo trên bề mặt miếng thịt càng rõ thì thịt càng ngon. Tuy nhiên, bạn không nên chọn miếng thịt có quá nhiều mỡ, vì nó có thể làm thịt trở nên cứng. Thịt bò và gà non thường có vân mỡ màu trắng, trong khi thịt từ con già có vân mỡ màu vàng.
Cách chọn đậu phụ ngon
Một miếng đậu phụ ngon thường có màu trắng ngà, trong khi đậu phụ chứa thạch cao thường có màu vàng đậm hơn; màu vàng càng nhiều thì càng có thạch cao.
Khi cầm miếng đậu, nếu bạn thấy nó nhẹ và mềm mại, đó là dấu hiệu của một miếng đậu ngon. Ngược lại, nếu miếng đậu nặng, cứng và có hình dạng vuông vắn sắc cạnh, thì có thể không ngon.
Miếng đậu ngon sẽ phát ra mùi thơm hấp dẫn, trong khi miếng đậu chứa thạch cao có thể có mùi vôi hoặc không có mùi gì.