Vì sao tháng âm lịch không có ngày 31?
Năm dương lịch được tính bằng thời gian trái đất quay một vòng quanh mặt trời. Theo đó, thời gian để trái đất thực hiện hết một vòng quay quanh mặt trời là 356 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây. Để tiện cho việc tính toán, người ta làm tròn một năm dương lịch có 365 ngày. Phần dư 5 giờ 48 phút 46 giây được cộng dồn lại, cứ 4 năm sẽ được con số suýt soát một ngày. Do đó, cứ 4 năm lại có một năm nhuận. Năm nhuận sẽ có 366 ngày và ngày đó được cộng vào tháng 2. Tháng 2 của năm nhuận sẽ có 29 ngày.
Trong 365 ngày có 12 lần mặt trăng tròn khuyết nên người ta chia thành 12 tháng. Do 365 không chia hết cho 12 nên có tháng có 30 ngày (gọi là tháng thiếu), có tháng có 31 ngày (gọi là tháng đủ). Tháng 2 là tháng thiếu nhưng chỉ có 28 ngày (vào năm bình thường) hoặc 29 ngày (vào năm nhuận).
Trong khi đó, năm âm lịch được tính bằng chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng (còn được gọi là sao Thái âm). Ngày xưa, người ta đã phát hiện ra rằng mặt trăng tròn khuyết có quy luật. Ngày trái đất - mặt trăng - mặt trời nằm trên một đường thẳng được lấy làm ngày mùng 1 âm lịch. Ngày này, mặt trăng quay nửa tối về mặt phía trái đất và được gọi là ngày không trăng hay ngày sóc. Khi tính toán, người ta nhận thấy điểm sóc rơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày từ 0 - 24 giờ thì ngày đó là ngày mùng 1 âm lịch. Tháng âm lịch là độ dài giữa hai ngày sóc. Khoảng cách giữa hai ngày sóc (hay độ dài của tháng âm lịch) thay đổi trong khoảng từ 29,27 - 29,84 ngày; trung bình là 29,53 ngày. Do đó, nó được làm tròn thành 29 ngày (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ). Với cách tính này, không có tháng âm lịch nào có ngày 31.
Do trong chu kỳ từ ngày lạnh đến ngày nóng và ngày nóng đến ngày lạnh, mặt trăng thay đổi tròn khuyết hơn 12 lần nên người xưa lấy 12 tháng làm một năm (năm âm lịch). Một năm âm lịch sẽ có 354 ngày hoặc 355 ngày. Đó là năm âm lịch thực sự theo quan niệm của người xưa.
Tuy nhiên, một năm âm lịch chỉ kéo dài 354-355 ngày còn năm dương lịch lại dài tới 365-366 ngày, mỗi một năm, khoảng chênh lệch giữa hai lịch này lên tới 10-11 ngày, cứ 3 năm liền sẽ dư ra hơn 1 tháng. Để sự chênh lệch giữa năm dương lịch và âm lịch không quá lớn, người ta cộng thêm 1 tháng vào năm âm lịch, tháng đó gọi là tháng nhuận và năm đó gọi là năm nhuận. Năm nhuận âm lịch sẽ có 13 tháng, kéo dài 384 hoặc 385 ngày. Cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận. Trong chu kỳ 19 năm sẽ dư ra 7 tháng nhuận. Các tháng nhuận này được đặt vào năm thứ 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.