Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có tất thảy 43 bà vợ, các bà vợ này sinh 142 người con gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Hậu thế lý giải "khả năng sung mãn" của vua nhờ phương thuốc “Minh Mạng thang".
Vua Minh Mạng hay Minh Mệnh là con trai thứ tư của Hoàng đế Gia Long và là vị vua thứ hai của Vương triều Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1820 - 1840.
Theo sử sách, Vua Minh Mạng có tư chất thông minh, hiếu học, hay chữ, quyết đoán, trong quá trình điều hành quốc gia, vua Minh Mạng đã có những cải cách lớn từ nội trị đến ngoại giao.
Không chỉ nổi tiếng ở tài thao lược, vua Minh Mạng cũng là nhà vua để lại nhiều giai thoại nổi tiếng nhất nhì trong 13 vị vua triều Nguyễn.
Vua Minh Mạng vang danh hậu thế bởi có nhiều vợ, đông con nhất trong 13 đời vua Nguyễn. Ông có 43 bà vợ sinh 142 người con gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Nhiều người trong số đó là con gái của quan lại và người dân đưa con vào cung vì ngưỡng mộ tài năng của ông.
Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn của tác giả Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, khi nghỉ ngơi vua có 5 bà vợ hầu hạ. "Một bà vấn thuốc têm trầu, bà quạt, bà đấm bóp, người ru và một để sai vặt. Mỗi bà một canh".
Tương truyền để quân vương có sức khỏe phục vụ tam cung, các ngự y đã ngày đêm nghiên cứu, bào chế những bài thuốc có tính năng tráng dương bổ thận cho thiên tử dùng.
Trong số những bài thuốc này, nổi tiếng nhất là bài thuốc Minh Mạng thang giúp vua Minh Mạng “nhất dạ ngũ giao tam hữu dựng” (Một đêm ngủ với năm bà thì ba bà có thai).
Đồng thời theo những ghi chép tản mạn còn để lại trong Đại Nam thực lục hoặc Minh Mệnh chính yếu, vua Minh Mạng là vị vua có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe của bản thân. Ngoài thời gian chăm lo chính sự, vua đi bộ thường xuyên, coi đó là “một phương pháp cầu thêm sống lâu vậy”, và coi trọng việc thể dục vì “người ta phải tập vận động, cố gắng thì ngày một thêm mạnh”.
Không chỉ vua Minh Mạng đông con, sau này con Vua Minh mạng cũng nổi tiếng bởi có nhiều con. Thọ Xuân Vương Miên Định có tất cả 144 người con; Tuy Lý Vương Miên Trinh có 114 người con. Vua Thiệu Trị (1807-1847) cũng nổi tiếng cũng nổi tiếng bởi có tới 64 người con.
Theo nhiều nhà sử học, việc Minh Mạng có hậu cung đông phi tần, mỹ nữ thêm vào đó số lượng con cháu lớn trong gia tộc họ Nguyễn đã tạo nên gánh nặng cho quốc gia và vương triều.
Vì sao vua Minh Mạng xử tử cha vợ?
Trong số các vụ án trị quan tham của Minh Mạng, nổi tiếng nhất là vụ tử hình bố vợ nhà vua là Huỳnh Công Lý, khi ông này tham nhũng 30.000 quan tiền.
Huỳnh Công Lý là một trong những võ tướng nổi tiếng thời Gia Long, có công giúp Nguyễn Ánh dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, sau được phong làm Lý Chính Hầu.
Khi con gái được vua Minh Mạng phong làm Huệ phi, Huỳnh Công Lý càng được tin dùng. Ông được phong làm Phó tổng trấn Gia Định, quyền hành chỉ sau mỗi Tổng trấn Lê Văn Duyệt.
Quyền lực là thế, lại mang danh bố vợ nhà vua, nhưng cuối cùng, người này không thoát án tử vì tội tham nhũng.
Theo Đại Nam thực lục, trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế (1816-1820), Huỳnh Công Lý được giao giữ chức Phó tổng trấn. Lợi dụng chức vụ và bề trên đi vắng, Huỳnh Công Lý thừa cơ vơ vét của cải từ nhân dân và binh lính.
Sau khi Lê Văn Duyệt quay về Gia Định, nhận được tin tố cáo Huỳnh Công Lý tham ô, ông báo về triều đình. Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam bố vợ và cử quan Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định điều tra.
Theo hồ sơ đã được trình lên vua, số tiền tham nhũng lên đến hơn 30.000 quan tiền. Biết chuyện này, vua Minh Mạng buồn rầu mà nói rằng: "Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực.
Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được".
Khi Nguyễn Đình Thinh đang thu thập lời khai của các nhân chứng ở Gia Định, triều đình phát hiện thêm bằng chứng tham nhũng nữa tại Huế cũng liên quan Huỳnh Công Lý.
Trong thời gian làm quan ở Huế, ông đã bắt lính xây dựng nhà riêng ở bên bờ sông Hương. Khi biết tin, vua ra lệnh tịch thu nhà, bán lấy tiền giúp cho cấm binh.
Sau khi cuộc điều tra kết thúc, nắm rõ tội của Huỳnh Công Lý, sau một thời gian cân nhắc, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Lê Văn Duyệt đòi lại số tiền đó cho dân.
Khi thành án, vua ra lệnh trao hết hồ sơ cho triều đình bàn xét. Triều đình kết luận đáng tội chết. Năm 1821, Huỳnh Công Lý bị Tổng trấn Lê Văn Duyệt xử tử tại Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho quân lính và dân chúng.